Xin chờ...

05/04/2013 | 09:29 GMT+7


Xử lý triệt để rác thải nông thôn ở Hà Nam
  •  

    Vừa nghỉ tay đắp thêm bờ ruộng để ngăn nguồn nước ô nhiễm từ bãi rác tập trung của thôn không tràn vào ô ruộng nhà mình, bà Nguyễn Thị Ðông, xóm Ngũ, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, nói: Chủ trương thu gom rác thải về bãi tập trung là tốt, nhưng lại không được xử lý kịp thời thành ra "lợi bất, cập hại". Vì thu gom như thế này có khác gì chuyển từ ô nhiễm nhỏ lẻ ở các hộ gia đình sang ô nhiễm tập trung. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi có mặt tại khu đa canh Ðồng Bề, nơi rất gần bãi rác tập trung của xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng là một không khí đặc quánh bởi mùi hôi thối đến khó thở và lượng côn trùng như ruồi, muỗi quá nhiều đậu kín đất, sân, hè của các hộ dân nơi đây. Toàn bộ khu sản xuất có hàng chục hộ chăn nuôi với tổng đàn gần 15 nghìn con gia cầm, cùng hàng chục con lợn thịt. Ông Nguyễn Như Thủy bức xúc: Cách đây vài năm, nhiều gia đình trong khu đa canh Ðồng Bề có thu nhập khá từ chăn nuôi, trồng trọt. Mỗi gia đình bình quân một năm cũng nuôi được vài ba lứa lợn thịt khoảng 40 đến 50 con/lứa, còn gia cầm thì có hàng trăm con. Từ khi xã quy hoạch và xây dựng bãi rác thải gần khu Ðồng Bề, sản xuất của chúng tôi bắt đầu gặp khó khăn và giảm sút. Rõ nhất là đầu năm 2012, khi ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) đầu tiên của tỉnh đã xuất hiện tại khu sản xuất đa canh Ðồng Bề làm đàn vịt gần hai nghìn con của gia đình tôi bị ốm, chết phải tiêu hủy. Nhiều gia đình dù đã bỏ rất nhiều vốn và công sức để cải tạo vườn tạp và xây dựng hệ thống chuồng trại, song cũng phải bỏ không, do dịch bệnh phát sinh nhiều. Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Mạc (huyện Duy Tiên) Phạm Huy Hoàng cho biết: Hơn chục năm qua, không kỳ tiếp xúc cử tri nào của HÐND tỉnh, huyện và thị trấn mà cử tri ở đây không kiến nghị, đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết việc xử lý và quy hoạch bãi rác thải tập trung của thị trấn. Lãnh đạo thị trấn biết kiến nghị đó của nhân dân là chính đáng và cũng trăn trở tìm cách, nhưng khổ nỗi, thị trấn đất hẹp, người đông lại là nơi có chợ tập trung cho nên lượng rác thải mỗi ngày một nhiều thêm mà quỹ đất để quy hoạch bãi rác thì không còn. Từ tháng 12-2012 khi Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa đóng trên địa bàn huyện đi vào hoạt động đã giúp cho thị trấn xử lý được cơ bản lượng rác thải tập trung tại địa bàn, chúng tôi như trút được gánh nặng.

     Mặc dù thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch và tổ chức tốt việc thu gom rác thải tại các khu dân cư về bãi rác tập trung. Song phần lớn quy trình xử lý rác thải thô sơ bằng cách chôn lấp hoặc đốt, chưa được vận chuyển đến nơi xử lý rác tập trung bằng công nghệ tiên tiến. Ðến nay, chỉ có huyện Thanh Liêm và tám xã của huyện Duy Tiên, địa phương đã dành nguồn kinh phí đáng kể cho việc vận chuyển rác từ các bãi rác tập trung về nhà máy xử lý rác thải đóng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, một số bãi rác lại có vị trí đường giao thông không thuận tiện, xe vận chuyển rác của công ty cũng không thể vào thu gom rác, do vậy lượng rác được vận chuyển vào nhà máy xử lý cũng chỉ được khoảng 2/3 tổng số lượng rác thải.

     Theo đánh giá của ông Trần Ðăng Trình, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam: Ðể hạn chế ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải trong khu dân cư, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã tổ chức được việc thu gom rác thải về điểm tập trung. Tuy nhiên, xử lý rác thải để tránh ô nhiễm môi trường thì lại đang bị ách tắc. Nguyên nhân chính là các địa phương còn khó khăn về kinh phí vận chuyển và xử lý. Hiện tại các địa phương mới duy trì mức thu ba nghìn đồng trên hộ/ tháng, chỉ đủ chi trả công vận chuyển về bãi rác tập trung của thôn, xóm. Còn việc xử lý thì cần kinh phí lớn hơn, điều này cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự đồng thuận từ phía người dân.

     Bảo đảm môi trường ở nông thôn là một trong những tiêu chí bắt buộc phải hoàn thành trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực tế ở Hà Nam cho thấy, đây là một trong những chỉ tiêu khó hoàn thành, nếu không có sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền và sự chủ động thực hiện từ người dân. Với quyết tâm xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, tại Hội nghị trực tuyến với sáu huyện, thành phố của UBND tỉnh Hà Nam được tổ chức mới đây bàn về việc thu gom và xử lý rác thải ở nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng kết luận: Trong năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch phân vùng thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn cho hai Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Ba An (đóng trên địa bàn huyện Duy Tiên và Kim Bảng). Tỉnh phân kinh phí, giao chỉ tiêu thu gom rác thải cho các huyện, các huyện giao cho các xã, thôn thanh toán kinh phí cho doanh nghiệp thu gom có sự giám sát khối lượng của các xã. Trên cơ sở quy mô dân cư thôn, xóm để quy hoạch bể thu gom rác thải tại thôn, liên thôn cho phù hợp với diện tích từ 60 đến 80 m2/bể. Sở Xây dựng phối hợp các huyện, thành phố cùng hai công ty xử lý rác thải khảo sát thống nhất quy hoạch, quy mô xây dựng bể thu gom rác thải tại các thôn, xã trên địa bàn, bảo đảm thuận tiện đường giao thông, vệ sinh môi trường, mặt bằng không phải san lấp và có đường giao thông vào bể để thuận lợi cho công tác vận chuyển rác.

     Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn vệ sinh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; huy động kinh phí cũng như sự chung tay hành động của toàn dân cho công tác vệ sinh môi trường.

    Sưu tầm: Nguyễn Minh Tiến
    Nguồn: Trang Điện tử Báo Nhân Dân


Các bài đã đăng