Lạc hậu và đơn ngành
Theo đánh giá của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn đã bước đầu tạo được hành lang pháp lý phục vụ công tác khí tượng thủy văn, đặc biệt trong công tác chuyên môn của hệ thống cơ quan, tổ chức thuộc ngành khí tượng thủy văn nói riêng, các cơ quan thuộc ngành TN&MT nói chung. Vai trò của công tác khí tượng thủy văn đã từng bước được nâng lên, thể hiện thông qua việc được hiện diện, điều chỉnh không chỉ ở trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khí tượng thủy văn mà còn ở các văn bản quy phạm pháp luật thuộc một số ngành, lĩnh vực có liên quan, đặc biệt trong các lĩnh vực phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên nước, xây dựng, giao thông vận tải...
Tuy nhiên, các văn bản này đã quá cũ, lạc hậu với tình hình thực tế và chỉ mang tính đơn ngành, trong khi khí tượng thủy văn là vấn đề liên ngành, liên vùng.
Những văn bản lạc hậu nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khí tượng thủy văn. Nhiều văn bản ban hành từ trước năm 2002, chưa được tính tới sự thay đổi, phát triển của khoa học công nghệ khí tượng thủy văn trên thế giới. Các văn bản pháp luật hiện nay về khí tượng thủy văn đều dựa trên trình độ công nghệ quan trắc của ngành khí tượng thủy văn cách nay đã 10 -15 năm, khi đó quan trắc chủ yếu bằng phương pháp thủ công.
Riêng trong quan trắc khí tượng cao không, từ sau năm 1990, các quy chuẩn đưa ra đã không còn phù hợp mà đến nay vẫn chưa có quy chuẩn mới. Hay quy trình kiểm định máy gió và lưu tốc kế 94 TCN 25-2002 ngay từ khi ban hành đã không sử dụng được vì khi đó đã có Quy trình theo TCVN. Nhưng hai quy trình của ngành khí tượng thủy văn vẫn chưa được xóa bỏ.
Hệ thống các quy định kỹ thuật, quy trình, quy phạm, quy chuẩn, tài liệu kỹ thuật bắt buộc áp dụng ban hành phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực KTTV chưa được xem xét để chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật đồng bộ, toàn diện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn năm 2006.
Tuyệt đại đa số các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy phạm được ban hành nhằm phục vụ cho hoạt động khí tượng thủy văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước đây là Tổng cục Khí tượng Thủy văn chưa tính đến việc điều chỉnh đối với các hoạt động khí tượng thủy văn của các ngành, lĩnh vực khác. Đây có thể xem là điểm hạn chế lớn nhất của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khí tượng thủy văn.
Quan trắc bức xạ nhiệt ở Đài Khí tượng thủy văn Nam Định
Luật Khí tượng Thủy văn – Đột phá cho quản lý Nhà nước
Luật Khí tượng Thủy văn đang được khởi động xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế cơ bản của những văn bản cũ, lạc hậu trước đây, kỳ vọng tạo ra bước thay đổi mang tính đột phá toàn diện cho công tác quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn, làm cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp lý đồng bộ thúc đẩy sự phát triển ngành khí tượng thủy văn và là công cụ pháp lý hướng dẫn, bảo đảm nâng cao vai trò quan trọng của khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng con người và tài sản xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của quốc gia.
Theo Ban soạn thảo Luật Khí tượng Thủy văn, những nội dung chính của Luật sẽ đề cập đến việc mở rộng hoạt động khí tượng thủy văn theo hướng xã hội hóa. Các hoạt động khí tượng thủy văn được quản lý thống nhất không chỉ về mặt quản lý nhà nước mà còn quản lý về mặt kỹ thuật. Các tổ chức hoạt động khí tượng thủy văn bình đẳng trong các hoạt động nhưng phải có một cơ quan khí tượng thủy văn chịu trách nhiệm về những tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy định mang tính toàn cầu. Phương tiện, thiết bị đo khí tượng thủy văn phải được quản lý thống nhất. Nhiều tổ chức được tham gia hoạt động khí tượng thủy văn nhưng nhất thiết phải có cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia…
Bài và ảnh: Nhật Tân( tainguyenmoitruong.com.vn)