Trong khi đó, các nông, lâm trường chiếm một lượng lớn đất rừng nhưng công tác quản lý lỏng lẻo dẫn tới mâu thuẫn về đất đai ngày càng nghiêm trọng.
Tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) là vùng rừng núi biên giới, trước đây bị tàn phá khốc liệt trong chiến tranh nên dân cư thưa thớt. Từ sau năm 1972, nhiều hộ gia đình người Vân Kiều từ Quảng Trị ra định cư lập nên các bản mới dọc sông Long Đại, sinh kế của người dân ở đây chủ yếu dựa vào phát nương làm rẫy. Nhưng khi Nhà nước vận động đồng bào chấm dứt tình trạng đó chuyển sang định canh định cư, thì chính quyền địa phương lại không bố trí được nguồn đất canh tác dẫn tới tình trạng đói nghèo có xu hướng gia tăng. Đơn cử, tại thôn Khe Cát có 100 hộ dân người Vân Kiều, diện tích canh tác bình quân mỗi hộ (4 - 5 khẩu) khoảng 0,4 ha đất màu ven suối và 46% số hộ được giao thêm 08ha đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, con số đó vẫn không đủ để đảm bảo tư liệu sản xuất cho người dân dẫn tới tình trạng lấn chiếm đất của các lâm trường ngày càng cao. Thiếu đất cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo cao tại các địa phương. Do thiếu đất canh tác, một hộ dân Vân Kiều tại bản Khe Cát, đã trồng sắn trên diện tích Công ty Long Đại khai thác trồng rừng. Cán bộ Công ty này hỏi: “Ai cho phép trồng sắn?”. Người dân vén áo, chỉ vào bụng và trả lời: “Cái bụng đói của tôi bảo tôi phải làm như vậy”!
Còn tại xã Tân Thành và Thiện Kỵ - 2 xã vùng 3 của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đây là nơi định cư của hơn 80% dân số là đồng bào Nùng và Cao Lan. Đáng chú ý, cả 2 xã đều có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhưng trên 75% diện tích đó lại nằm trong phần diện tích đã được giao cho Công ty Đông Bắc. Không có đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo khá cao (45% xã Thiện Kỵ và 21% ở xã Tân Thành). Thống kê của Công ty cho thấy tổng diện tích đất bị các hộ dân ở hai xã lấn chiếm lên tới 17.095ha, chiếm 78,3% diện tích đất Công ty hiện đang được giao quản lý. Chỉ tính riêng trên địa bàn khu vực thôn Cốt Cối thuộc xã Tân Thành, diện tích bị lấn chiếm lên tới 272ha/400ha.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất tranh chấp giữa lâm trường và người dân tính đến hết năm 2011 khoảng 76.000 ha. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng con số này nhỏ hơn nhiều so với diện tích thực tế, và con số 76.000 ha chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm về tình trạng mâu thuẫn đất lâm nghiệp tại Việt Nam hiện nay.
|
Nguyên nhân của những mâu thuẫn, tranh chấp trên xuất phát từ thực tế thiếu đất sản xuất trầm trọng. Theo thống kê, diện tích đất lúa nước của mỗi hộ rất hạn chế, trung bình khoảng 1-2 sào/hộ. Trong khi đó, diện tích đất nương rẫy ngày càng ít đi, trung bình mỗi hộ chỉ có khoảng 0,3 đến 0,4 ha. Để duy trì cuộc sống, các hộ không còn cách nào khác là duy trì canh tác trên diện tích của công ty. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn diện tích đất được giao cho lâm trường thông thường chỉ được khoanh vẽ trên bản đồ mà không có điều tra kiểm chứng tại thực địa. Phần đất giao cho lâm trường quản lý cũng là phần đất mà các hộ gia đình đã canh tác từ trước đó. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về các quyền đối với đất đai, giữa các cơ quan, cá nhân, tổ chức với nhau.
Ngoài ra, sự bất bình đẳng trong sử dụng đất cũng là nguyên nhân đẩy mâu thuẫn thêm gay gắt. Tại một số địa phương, chính quyền cắt đất từ lâm trường và đem giao cho các Công ty tư nhân để phát triển cây công nghiệp, thay vì chia đất cho dân. Sự bất bình đẳng còn thể hiện khi lâm trường trao hợp đồng khoán và bảo vệ rừng cho người ngoài cộng đồng, thông thường lại giao cho những người giàu, mà không giao cho người dân tại chỗ, điều này làm mất cơ hội về thu nhập và việc làm cho người dân nghèo. Trong khi đó, tại nhiều địa phương hiện nay cơ chế giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân thường bế tắc do thiếu cơ sở pháp lý như chưa có sự phân định ranh giới đất đai rõ ràng trên thực địa, việc cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất chồng chéo. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ mạng lưới thị trường hàng hóa nông sản ở vùng núi trong thời gian gần đây tạo điều kiện cho việc nâng cao thu nhập cho nhiều người. Dẫn tới, việc tiếp cận và kiểm soát đất đai trở thành cơ hội nâng cao thu nhập cho những người nắm giữ các quyền này. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về đất lâm nghiệp tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, trong khi phần lớn người dân miền núi thiếu đất sản xuất thì tại một số địa phương vẫn tồn tại nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc "vô chủ", không được khai thác sản xuất, gây lãng phí trong sử dụng đất đai. Chính quyền các cấp có thẩm quyền nhiều nơi chưa thật sự quan tâm đến lợi ích của người dân, chưa chú trọng chuẩn bị và huy động kinh phí để tổ chức giao đất, giao rừng cho dân. Trong khi đó, các tổ chức, công ty tư nhân sẵn sàng có nguồn lực tài chính để thực hiện giao đất rừng và có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh hơn người dân địa phương. Do vậy, trong cuộc cạnh tranh để được giao đất rừng, cộng đồng người dân địa phương thường là đối tượng yếu thế so với các tổ chức, công ty tư nhân…
Giang Trường(Tainguyenmoitruong.com.vn)
Kỳ II: Lối mở nào cho những xung đột?