Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết: Sau 3 năm thực hiện thí điểm Chương trình "Phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại Hà Nội giai đoạn 2010-2015" đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, các địa phương đã tham gia Chương trình chỉ xin mở rộng thêm diện tích chứ không bớt diện tích trồng lúa hàng hóa chất lượng cao. Cụ thể: Vụ xuân năm 2013, Hà Nội đã xây dựng thêm 6 mô hình điểm nâng tổng số lên 40 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tiêu biểu tại 11 huyện ngoại thành. Trước đó, Hà Nội đã xây dựng được 34 mô hình điểm với quy mô 10.670ha và hơn 70 nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất, với năng suất đạt 5,4 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt gần 58 nghìn tấn, tổng trị giá là gần 522 tỷ đồng.

Theo ông Vân, nguyên nhân chính khiến bà con muốn tham gia chương trình này ngày càng nhiều là do khâu tiêu thụ rất đảm bảo, không sợ tồn đọng lúa thương phẩm dù sản lượng có lớn đến chừng nào, diện tích có mở rộng đến bao nhiêu. Điển hình vụ xuân 2013, Hà Nội đã xây dựng thêm 6 điểm mô hình mới, với quy mô mỗi thửa ruộng lớn từ 150ha đến 200ha ở các HTX Mai Đình (Sóc Sơn), Thanh Văn, Bình Minh (Thanh Oai), Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa)... Các giống lúa được lựa chọn đưa vào sản xuất, gồm: Bắc Thơm số 7, T10, Nàng Xuân, Hương Thơm số 1, Nếp Lang Liêu, Nếp vàng 1… Để hỗ trợ các HTX tham gia mô hình, Trung tâm phát triển cây trồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) phối hợp với các xã, HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật đầu vụ tại 40 HTX cho gần 4.800 lượt cán bộ, nông dân tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức huấn luyện được 136 buổi cho 6.800 lượt cán bộ, nông dân về kỹ thuật lựa chọn giống, kỹ thuật ngâm, ủ, chăm sóc lúa sau cấy.
Giám đốc Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội Nguyễn Bá Sướng cũng cho biết: Việc cung ứng kịp thời nguồn giống, phân bón đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, triển khai đúng thời vụ. Bên cạnh đó, bà con cũng bắt đầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nên cũng góp phần giảm chi phí trong khâu nhổ mạ, công cấy, thuốc bảo vệ thực vật và giải phóng sức lao động. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, các mô hình điểm dự kiến sẽ cho năng suất ước đạt từ 5,3 - 5,5 tấn/ha, sản lượng lúa hàng hóa đạt 23.760 tấn, giá trị sản xuất lúa hàng hóa ước đạt 230,760 tỷ đồng. Tuy nhiên, chương trình sản xuất lúa chất lượng cao vẫn còn một số hạn chế, như: Quy hoạch một số điểm chưa tập trung, chọn giống, chăm sóc chưa tốt. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị làm đất, thu hoạch, chế biến, bảo quản chưa đồng bộ. Công tác kiểm tra, dự tính, dự báo phát hiện sâu bệnh hại của cán bộ kỹ thuật một số nơi chưa kịp thời. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, các địa phương cần tiếp tục xây dựng, quy hoạch vùng chuyên canh trồng lúa chất lượng cao với quy mô lớn, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng./.
Theo TTXVN