Xin chờ...

15/10/2013 | 01:58 GMT+7


Đổi mới công tác khuyến nông: Đổi mới như thế nào?
  •  

     

     Không thể phủ nhận vai trò của khuyến nông trong việc xây dựng những mô hình mới, nâng cao trình độ và thu nhập cho nông dân. Để hoạt động khuyến nông ngày càng hiệu quả, việc xây dựng các cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện theo hướng có lợi hơn với người dân. Ví như, trước đây, vùng sâu, vùng xa chỉ được hỗ trợ 20-40% kinh phí cho hoạt động khuyến nông, nhưng bắt đầu từ năm 2009, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có khi được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí để nông dân nghèo có điều kiện tham gia các chương trình khuyến nông.

    Về tiến bộ kỹ thuật, chúng tôi phân ra hai loại. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc áp dụng tiến bộ kỹ thuật đơn giản dễ làm, như kỹ thuật trồng lúa lai để nâng cao năng suất, nuôi gà thả vườn sau 85-90 ngày là có thể xuất chuồng.

    Đối với tiến bộ công nghệ cao, ưu tiên những hộ có điều kiện hơn về trình độ tham gia, như sản xuất rau an toàn, chúng tôi đưa vào các vùng sản xuất chuyên canh ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên...

    Ngoài ra, chúng tôi còn áp dụng chương trình khuyến nông theo công nghệ cơ giới hóa. Cụ thể là chương trình phát triển sản xuất lúa bằng công nghệ gieo thẳng, từ khâu làm đất, gieo mạ, tưới, phun thuốc, thu hoạch đều bằng máy. Đây là tiến bộ kỹ thuật được bà con nông dân ghi nhận, góp phần nâng cao năng suất, giảm sức lao động, đưa năng suất lúa tăng 30-40% ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

     

    Thưa ông, để theo kịp những đòi hỏi khắt khe của thị trường và quá trình sản xuất, công tác khuyến nông trong thời gian tới cần đổi mới và chú trọng đến những vấn đề gì?

    Đổi mới là đương nhiên. Tôi cho rằng, về chính sách cũng phải từng bước tháo gỡ, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần sớm được hỗ trợ 100% về giống để bà con mạnh dạn áp dụng giống mới; vật tư nên hỗ trợ 50%. Về tiến bộ kỹ thuật, nên lựa chọn những kỹ thuật thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với từng vùng. Mặt khác, từ khi thành lập đến nay, điểm xuất phát của cán bộ khuyến nông không phải là những người làm khuyến nông mà là cán bộ, nhà khoa học. Vì vậy, việc đào tạo đội ngũ khuyến nông viên cơ sở là rất cần thiết. Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia đã chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông, đến nay có trên 95% số xã đã có cán bộ khuyến nông với số lượng trên là 20.000 người. Tuy nhiên, quá trình đào tạo khuyến nông viên gặp rất nhiều khó khăn vì năng lực trình độ không đồng nhất.

     

    Đó là vấn đề số lượng, còn vấn đề chất lượng của cán bộ khuyến nông thì thế nào, thưa ông?

    Trong Nghị định 56/2005/NĐ-CP ngày 26/4/2005 của Chính phủ, có điều khoản mỗi xã phải có một cán bộ khuyến nông. Nhưng nếu mỗi xã chỉ có một cán bộ khuyến nông thì đòi hỏi người đó phải biết hết các ngành nghề. Nếu đã đỗ đại học chuyên ngành trồng trọt thì buộc cán bộ đó phải đi tập huấn nghiệp vụ về chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thú y... Chúng tôi đang tiếp tục đào tạo để cán bộ khuyến nông biết hết các ngành nghề về nông nghiệp, nông thôn.

    Tuy nhiên, phụ cấp cho cán bộ khuyến nông cũng là vấn đề cần quan tâm. Vì theo quy định, phụ cấp cho cán bộ khuyến nông xã do Chủ tịch UBND xã quyết định. Có tỉnh, cán bộ khuyến nông được trả lương theo mức lương tối thiểu của Nhà nước, nhưng cũng có địa phương chỉ được trả 150.000 đồng/tháng. Mức phụ cấp này không động viên được đội ngũ cán bộ khuyến nông yên tâm công tác.

     

    Có ý kiến cho rằng, ở một số địa phương, hoạt động khuyến nông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân. ông nghĩ sao về vấn đề này?

    Khuyến nông xuất phát từ nhu cầu của nông dân, nhưng hiện nay chúng ta đi theo hai hướng, một là yêu cầu chiến lược của địa phương và xuất phát từ nhu cầu nông dân. Hai cái này phải song hành với nhau.

    Nhu cầu của bà con nông dân là lớn, nhưng họ chỉ biết cái lợi trước mắt nên cần phải kết hợp giữa chiến lược của bộ, ngành, địa phương và nhu cầu của nông dân thì mới hoàn thiện được.

     

    Xin ông cho biết nước ta đã có hệ thống giám sát và đánh giá các hoạt động khuyến nông chưa?

    Hiện nước ta chưa có hệ thống này. Chúng tôi mới hình thành một bộ phận nhỏ trong hệ thống giám sát, đó là bộ phận kiểm tra các hoạt động, còn chưa có bộ phận đánh giá.

     

    Việc liên kết với khuyến nông nước ngoài cũng là một cách để khuyến nông Việt Nam phát triển hơn. Việc này chúng ta đã thực hiện với nước nào rồi, thưa ông?

    Chúng tôi đã có những đợt đi tham quan, trao đổi, học tập ở Hà Lan, Hàn Quốc, Philippines... Qua đó, chúng tôi nhận thấy hoạt động khuyến nông của nước bạn rất khác: khi làm mô hình trình diễn, nước bạn được Nhà nước hỗ trợ 100%, còn nước ta chỉ được hỗ trợ 20-40%; khi xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội nghị, chúng ta chủ yếu mời các nhà khoa học, còn các nước khác chủ yếu mời nông dân tham gia. Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia xây dựng đề án đào tạo cho nông dân thông qua truyền hình và chúng tôi đang phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam để thực hiện đề án này. Hy vọng, với những cải tiến kịp thời, hoạt động khuyến nông sẽ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

     

    Xin cảm ơn ông!

    Nguyễn Lê (thực hiện)

     


     

     

     

    Hiệu quả từ một câu lạc bộ khuyến nông

    Lực lượng khuyến nông viên đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Hình thức Câu lạc bộ (CLB) khuyến nông thôn Ngoài, xã Tiên Lục (Lạng Giang - Bắc Giang) là một ví dụ điển hình.

     

    CLB khuyến nông thôn Ngoài được thành lập năm 2000, với 36 hội viên. Theo định kỳ, mỗi tháng CLB sinh hoạt 1-2 lần với nhiều nội dung phong phú như: Trao đổi kinh nghiệm, thông tin thị trường, cây - con giống mới để bà con học tập làm theo. Để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận quy trình thâm canh cây - con mới, Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện và nhiều ban ngành, đoàn thể khác xây dựng các mô hình trình diễn như: Lúa lai Nhị ưu 838, lạc L14, rau trái vụ, dưa chuột, bí xanh... Sau mỗi mô hình, CLB tổ chức hội thảo đầu bờ để rút kinh nghiệm và tuyên truyền nhân rộng. Nhờ vậy, đến nay, 100% diện tích lúa, lạc của thôn được trồng bằng giống mới. Đặc biệt, mô hình cấy lúa thẳng hàng do CLB khuyến nông thực hiện đã giúp phần lớn các gia đình trong thôn thay đổi phương pháp canh tác cũ. Theo đánh giá của bà con, phương pháp cấy lúa này có một số ưu điểm nổi trội: Dễ chăm sóc, lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn cách cấy truyền thống 30kg/sào.

    Cùng với việc xây dựng các mô hình trình diễn, CLB khuyến nông thôn Ngoài còn trích quỹ cho hội viên nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, tổ chức cho hội viên đăng ký xây dựng cánh đồng đạt giá trị thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Hội viên Trần Văn Cường cho biết: “Từ khi tham gia CLB, gia đình tôi đã chuyển sang trồng su hào, bắp cải trái vụ. Với 3 sào su hào, bắp cải, mỗi vụ tôi thu lãi hơn 5 triệu đồng. Nhiều hộ khác trong thôn nhờ được CLB khuyến nông hướng dẫn quy trình kỹ thuật đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Bằng sự nỗ lực đó, đến nay CLB khuyến nông thôn Ngoài đã thu hút gần 70 hội viên tham gia.

    Qua tìm hiểu thực tế thấy hoạt động khuyến nông không chỉ đạt hiệu quả cao ở CLB thôn Ngoài mà còn lan rộng ra nhiều địa phương khác trong huyện Lạng Giang. Hiện toàn huyện có 26 CLB khuyến nông cơ sở. Bà Hà Ngọc Hoa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lạng Giang đánh giá: “CLB khuyến nông cơ sở không chỉ là trường học của nông dân mà còn là cầu nối hiệu quả để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Tất cả các mô hình thực hiện qua CLB khuyến nông đều thành công và được nhân rộng vì tập hợp nhiều người có cùng khả năng tham gia”. Nhiều công thức luân canh mới cho thu nhập từ 50-120 triệu đồng /ha/năm như: Dưa chuột bao tử - lúa mùa - cà chua bi; lúa xuân - cải dưa - rau vụ đông - kim tiền thảo; lúa xuân - đậu tương hè - cây sinh địa; lúa xuân - lúa mùa - lạc thu đông... Hiện ở huyện Lạng Giang, mỗi CLB khuyến nông đều có một tủ sách kỹ thuật nông - lâm - ngư nghiệp giúp bà con tìm hiểu học tập. Nhiều địa phương còn trích ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho CLB khuyến nông.

     

    Lê Thảo

     


Các bài đã đăng