Đặc biệt gần đây ngành này đang được hưởng lợi từ gói kích cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khá rộng, nên trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ mong muốn mang lại cái nhìn tổng quan về 2 lĩnh vực đã có cổ phiếu được niêm yết trên sàn là giống cây trồng và chế biến thức ăn chăn nuôi.
Giống cây trồng
Ngành cung cấp giống cây trồng của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển do: (1) nhu cầu ngày càng cao về giống, đặc biệt là các hạt giống chất lượng cao (cho năng suất cao, thời gian tăng trưởng ngắn); (2) tỷ lệ sử dụng các giống cây trồng cũ, thoái hóa còn cao; (3) tỷ lệ sử dụng các giống xác nhận, lúa lai, rau lai còn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Ngành này có tỷ suất lợi nhuận khá cao, ví dụ lợi nhuận biên gộp của sản xuất lúa thuần 35%, sản xuất lúa lai 50%, sản xuất ngô lai 50 - 100%, hạt giống rau 100 - 200%...
Tuy nhiên, điểm hạn chế của ngành này là phụ thuộc nhiều vào thời tiết tính mùa vụ. Ngoài ra, cũng phải đề cập đến sức ép cạnh tranh đến từ các nước có nền nông nghiệp phát triển, có chi phí sản xuất thấp như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Chẳng hạn, lúa lai Trung Quốc đang chiếm áp đảo thị trường, mặc dù Chính phủ đã đầu tư lớn cho nghiên cứu giống lúa lai để hạn chế nhập khẩu.
Tiềm năng phát triển
Hiện Việt Nam có khoảng 200 công ty trung tâm giống, trại giống và viện nghiên cứu sinh học hoạt động trong ngành cung cấp giống cây trồng rải rác trên cả nước. Trong đó, lớn nhất là CTCP Giống cây trồng Trung ương (tại miền Bắc) và CTCP Giống cây trồng miền Nam (tại miền Nam). Cổ phiếu của hai công ty này đang được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM với các mã tương ứng là NSC và SSC.
Các đơn vị còn lại chủ yếu trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mang tính chất nhỏ lẻ hoạt động tại địa phương. Tuy nhiên, hiện sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa lai và rau quả.
Tiêu biểu như nhu cầu giống xác nhận tại Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 400.000 tấn/năm, nhưng khả năng cung cấp giống lúa ở miền Nam chỉ đạt hơn 30%, số còn lại phải nhập khẩu (Nguồn: Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT).
Nhu cầu tăng cộng với năng lực sản xuất đang vươn lên để đáp ứng nhu cầu đó sẽ mang lại tốc độ phát triển tương đối nhanh cho ngành này trong vòng 5 năm tới Theo dự đoán của chúng tôi, tốc độ này sẽ đạt khoảng 20%/năm.
Hơn nữa, sự phát triển này có yếu tố bền vững, vì Việt Nam là một nước nông nghiệp đang trong quá trình chuyên môn hóa và công nghiệp hóa ngành nông nghiệp nên người nông dân có xu hướng sử dụng giống hàng hóa thương mại do các công ty giống cung cấp.
Chế biến thức ăn chăn nuôi
Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi có triển vọng phát triển phụ thuộc chặt chẽ vào ngành chăn nuôi. Do đó, ngành này có rất nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh trong thời gian tới với chiến lược phát triển đẩy mạnh tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây. Theo đó, tỷ trọng ngành chăn nuôi sẽ đạt 42% vào năm 2020, trong khi hiện nay mới chỉ chiếm hơn 25% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Khoảng 40 - 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là nhập khẩu. Do đó kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành liên quan chặt chẽ với giá cả nguyên liệu trên thị trường quốc tế và chính sách thuế nhập khẩu của Nhà nước cũng như rủi ro tỷ giá.
Tiềm năng phát triển
Hiện có gần 300 nhà máy hoạt động trong thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Thị trường phân chia theo địa lý ước tính khoảng 65% tại miền Nam và 35% tại miền Bắc và miền Trung.
Trong đó, chỉ có khoảng 15 - 20 nhà máy có công suất lớn và có công nghệ cao, còn lại là hoạt động chế biến nhỏ lẻ, kỹ thuật thấp nên cơ hội cho sự tham gia mới cũng như gia tăng công suất đối với các công ty hiện tại còn khá lớn.
Năm 2009 sẽ là năm các công ty sản xuất thức ăn gia súc có kết quả kinh doanh khởi sắc so với năm 2008, do môi trường kinh doanh năm 2009 có nhiều yếu tố thuận lợi hơn như. (1) giá nguyên liệu nhập khẩu giảm; (2) giá thức ăn chăn nuôi trong nước đã bình ổn hơn ; (3) tháng 4/2009, Bộ Tài chính đã có thông tư điều chỉnh thuế suất nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho lợn và gia cầm từ mức 5% xuống còn 4%. Điều chỉnh này sẽ có đóng góp vào việc giảm tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu của các công ty trong ngành.
Khối Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCK SSI