Xin chờ...

16/10/2013 | 03:49 GMT+7


Về nơi hội tụ 5 làng quan họ gốc

  •  Chúng tôi bị cuốn theo lúc nào không hay, miệng cứ lẩm nhẩm hát theo những nghệ nhân Quan họ. Khách khó có thể dứt khỏi câu hát để về trong chốc lát. Khi ra về, chủ nhà còn nắm lấy tay “trổ” vài điệu Quan họ để tiễn khách, mà lòng xốn xang “người ơi người ở đừng về”. Để rồi mãi nhớ đến mảnh đất Võ Cường (thành phố Bắc Ninh)-nơi có 5 làng Quan họ gốc hội tụ như mạch nguồn cảm xúc, thể hiện cốt cách, lối sống và văn hoá ứng xử của người dân nơi đây.

    Võ Cường là nơi duy nhất của Bắc Ninh có 5/5 làng Quan họ gốc: Bồ Sơn, Hòa Đình, Khả Lễ, Xuân Ổ A, Xuân Ổ B. Mỗi làng Quan họ ẩn trong mình nét duyên độc đáo bởi cách ứng xử văn hóa nhã nhặn, khiêm nhường. Làng Bồ Sơn nằm bên bờ sông Tiêu Tương, hiền hòa thơ mộng như dải lụa thấm sâu mối tình của chàng Trương Chi với nàng Mỵ Nương huyền thoại.

    Từ xa xưa, mảnh đất hữu tình này đã xây dựng cho mình phong cách hát riêng ở một số bài hát vặt cho nên từ lâu đời đã có những bài hát được vùng Kinh Bắc-Bắc Ninh gọi là hát theo phong cách Bồ Sơn. Ví như bài: “Năm canh” và bài “Mây xanh”. Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Tạ Thị Hình cho biết: “Từ khi mới được sinh ra, tuổi thơ đã được hát ru bằng những lời ca Quan họ mộc mạc, trữ tình. Và khi lớn lên, họ không thể nào quên được những làn điệu dân ca độc đáo ấy. Các thế hệ tiếp nối nhau hát Quan họ, người trước truyền dạy cho người sau”.

    NSƯT Hình say sưa nói về văn hoá Quan họ như lối ứng xử khéo léo, tinh tế, kín đáo và mang đầy ý nghĩa nhân văn mà không phải nơi nào cũng có được. Từ lời ăn tiếng nói đến lối ứng xử, người Quan họ luôn từ tốn, khiêm nhường. Họ gọi nhau là “liền anh”, “liền chị” và bao giờ cũng tự nhận là “em”. Cái men say Quan họ dạt dào, tình tứ đầy sức cuốn hút mãnh liệt đối với du khách bốn phương. Đó là điều mà lý giải vì sao Quan họ truyền thống có sức quyến rũ và lay động kỳ lạ đến vậy. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và NSƯT Tạ Thị Hình dài hơn 3 giờ đồng hồ.

    Hiện nay bà Hình đang làm Chủ nhiệm CLB Quan họ thành phố Bắc Ninh được thành lập từ bốn năm nay để truyền dạy cho những cặp đôi thi hát Quan họ đã từng đoạt giải Nhất, Nhì, Ba của tỉnh vào Hội Xuân hàng năm với các lớp 50 bài, 150 bài và 200 bài. Các làn điệu mời nước, mời trầu  thật chân tình, nồng thắm mỗi khi có khách đến chơi nhà “đôi tay nâng chén rượu đào, đổ đi thì tiếc, uống vào thì say”. Rồi các làn điệu chia tay giã bạn đầy quyến luyến trong câu hát “Người ơi người ở đừng về/ Người về em vẫn khóc thầm/ Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa…”.

    Chúng tôi bị cuốn theo lúc nào không hay, miệng cứ lẩm nhẩm hát theo. Khách đến khó có thể dứt khỏi câu hát mà ra về trong chốc lát. Khi ra về, chủ nhà còn nắm lấy tay hát vài điệu Quan họ để tiễn biệt, mà lòng xốn xang, xúc động “người ơi người ở đừng về”.

      Dời Bồ Sơn, chúng tôi đến CLB Quan họ Hoà Đình. Hiện CLB có hơn 60 người tham gia thường xuyên sinh hoạt học hát Quan họ cổ vào buổi tối hàng ngày. Một số người từ các tỉnh khác như Hà Nội, Hải Dương với niềm đam mê Quan họ về đây học hát. Nhưng nét độc đáo ở CLB Quan họ Hoà Đình chính là sự đổi mới trong sự tiếp nhận và sử dụng tiện ích loại hình văn hóa “điện thoại Quan họ” phục vụ miễn phí cho quý khách trong và ngoài nước. Chỉ cần bấm số 01663661147 vào buổi tối từ 19 đến 21 giờ, là mọi người có thể được nghe các “liền anh”, “liền chị” hát những làn điệu dân ca Quan họ theo yêu cầu.

    Ông Trần Văn Quyến, Chủ nhiệm CLB bộc bạch: “Hát Quan họ trên điện thoại là cách quảng bá hình ảnh và văn hóa Quan họ, là thỏa nỗi mong nhớ da diết và yêu hơn con người và mảnh đất ngàn năm văn hiến. Chơi Quan họ là nói đến một lối chơi quy củ, nền nếp. Người chơi phải tuân thủ theo lối chơi gồm nhiều thể loại: Hát đối, hát giao duyên, hát canh, hát kết chạ, hát lễ hội, hát mời nước, mời trầu… chơi cho chỉ nổi kim chìm, chơi cho lở đất long trời mới xứng là trai gái Kinh Bắc-Bắc Ninh. Nhưng không chỉ có thế, Quan họ còn có lối hát tự do, ngẫu hứng thể hiện sự phóng khoáng trong những canh hát ngày xuân. Gửi gắm bầu tâm sự vào câu hát, ấy là cái tình của người Quan họ thấm thía, lan tỏa ngàn đời”.

    Muốn Quan họ cổ sống mãi với thời gian, phải giữ và đào tạo cho được những “trùm Quan họ”, biết tất thảy những lối chơi tinh hoa, cổ truyền. Đó là nỗi niềm và tâm nguyện của những nghệ nhân già như cụ Nguyễn Thị Nguyên (Khả Lễ), một trong 6 nghệ nhân Quan họ đã được Cục Di sản, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) phong tặng là Di sản nhân văn sống (2004). Cuộc trò chuyện thật thú vị, thỉnh thoảng cụ lại “trổ” một vài câu Quan họ. Cụ Nguyên bảo: “Nói đến Quan họ, phải hát các anh mới cảm nhận tường tận, chứ nói không chưa đủ”. Mỗi khi khách đến chơi nhà, không chỉ “rót nước pha trà” mời khách, mà cùng với đó là những câu hát thắm đượm nghĩa tình: “Mỗi khi khách đến chơi nhà/ đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng”. Tuy răng nay chẳng còn, giọng đã yếu nhưng cụ vẫn giữ được cái tinh túy, cái hồn của lề lối Quan họ.

    Tạm biệt mảnh đất Võ Cường, bên tai còn văng vẳng những làn điệu “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Con nhện giăng mùng”… của những thành viên trẻ CLB Quan họ ngân lên cả sức sống mùa xuân./.

     


Các bài đã đăng