Những năm gần đây, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) được biết đến với mô hình trồng hoa, trồng rau cao cấp cho thu nhập cao; nhiều hộ có thu nhập 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, phong trào phát triển mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) được nông dân Thanh Hưng coi như một hướng đi mới để thoát nghèo.
.jpg) |
Anh Nguyễn Văn Bộ chăm sóc đàn vịt của gia đình.
|
Một điển hình thoát nghèo từ mô hình VAC là anh Nguyễn Văn Bộ, ở đội 6, xã Thanh Hưng với mô hình nuôi vịt sinh sản, nuôi ương cá giống, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Bộ tâm sự: Quê gốc Thái Bình, lên Điện Biên từ năm 1990. Ngày đến vùng đất mới, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, con cái còn nhỏ dại. Lúc đầu gia đình chuyên trồng các loại rau ngắn ngày cung cấp cho thị trường. Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng rau, rồi trồng hoa, song qua nghiên cứu thị trường, cùng với khảo sát một số hộ trong xã nuôi vịt sinh sản, nuôi cá thấy hiệu quả cao. Năm 2009, anh mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ ngân hàng, cộng với vốn vay thêm bạn bè, người thân thuê máy ủi 5.000m2làm ao thả cá; chủ yếu nuôi cá rô phi đơn tính, trôi, chép... và một phần diện tích ao nuôi ương cá giống. Năm đầu, trừ chi phí anh thu nhập từ cá trên 40 triệu đồng. Có vốn tích lũy, anh tiếp tục đầu tư nuôi trên 2.000 con vịt đẻ. Vào những ngày cao điểm, anh thu trên 1 nghìn quả trứng cung cấp cho các nhà hàng, bỏ mối cho các hộ bán lẻ ở các chợ.
Khi hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi anh Bộ cho biết: Những năm gần đây, do dịch cúm gia cầm thường xuyên xảy ra, nên công tác vệ sinh chuồng trại là rất quan trọng. Anh thường xuyên rắc vôi bột khử khuẩn xung quanh khu chuồng trại; bên cạnh đó, cập nhật thông tin liên tục qua các phương tiện nghe nhìn, để từ đó có biện pháp phòng dịch kịp thời như: tiêm phòng và cách ly đàn ra khỏi nơi nguy cơ có dịch. Từ hướng đi đúng trong phát triển kinh tế cùng với công tác phòng dịch cho gia cầm sát sao, mô hình nuôi vịt đẻ trứng, nuôi ương cá giống và cá thịt; mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Lò Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hưng cho biết: Hiện xã có hàng chục hộ nuôi cá, vịt đẻ cho thu nhập cao. Ngoài việc kết hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về mô hình cây, con cho năng suất cao, Hội Nông dân xã còn là cầu nối với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 23 tỷ đồng. Từ đó, nhiều nông dân đã có vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo; vươn lên ổn định cuộc sống.