Xin chờ...

12/08/2013 | 04:50 GMT+7


Rau xanh ầm ầm tăng giá ngày mưa bão
  •  Cứ mưa bão là tăng giá gấp đôi

    Ghi nhận của phóng viên SM tại các chợ Đồng Xa, chợ Hôm, chợ Phùng Khoang trong chiều ngày hôm nay 8/8 giá rau xanh đều tăng mạnh so với ngày hôm qua.
    Tiểu thương tại các chợ đều giải thích: “mưa bão cả tuần nay rồi, rau ngập úng hết nên giá cũng tăng”. Thậm chí nhiều người còn nói thẳng với khách “trời bão này giá tăng gấp đôi là chuyện bình thường”.
    Tăng giá mạnh nhất là các loại rau cải: cải ngọt từ 24.000-25.000 đồng/kg, cải canh 22.000- 23.000 đồng/kg. Cải canh hoặc cải chít bó mớ từ 6.000-8.000 đồng/mớ.
    Giá cải ngọt tăng mạnh
    Rau muống 6.000- 7.000 đồng mớ nhỏ, 12.000- 15.000 mớ vừa, giá đắt lên 3.000-5.000/mớ và mỗi mớ cũng được nhỏ hơn hẳn. Cải bắp tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg lên 20.000- 22.000/kg. Các loại rau bó mớ như mùng tơi, rau đay, rau dền lần lượt tăng lên từ 5.000- 7.000 đồng/mớ đắt gấp đôi ngày thường.
    Một số loại củ quả cũng tăng 5.000-10.000 đồng/kg: bí bao tử: 50.000-55.000/kg; cà chua 15.000-20.000/kg tùy loại; cà rốt 17.000-22.000 đồng/kg; đậu đũa tăng lên 19.000- 20.000/kg; Bí xanh tăng giá từ 8.000-10.000/kg lên 15.000-20.000/kg.
    Rau thơm như húng, mùi, kinh giới lên giá từ 4.000-5.000 đồng/mớ. Đặc biệt hành lá và xà lách tăng giá khá mạnh: hành lá từ 15.000/kg lên 30.000 đồng/kg; xà lách từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng.
    Theo một người bán: “hai loại rau này hễ mưa to là rập nát, hỏng hết. Mưa cả tuần rồi, từ hôm qua lại mưa bão to nên chả còn rau mà bán, giá cũng đắt lên”.
    Tại các chợ, hôm nay cũng vắng vẻ hơn. Một số quầy hàng dự đoán mưa bão ế khách nên đã không đi bán hàng. Đối với rau và thịt, những ngày này thường đắt khách hơn bình thường, song mưa quá to cũng gây trở ngại cho các xe hàng cồng kềnh ở vùng quá xa vào nội đô nên cũng vắng bóng. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá rau đắt lên.
    Trước tình trạng rau ngoài chợ bị đẩy giá vô tội vạ, nhiều người đã chọn phương án vào siêu thị mua rau vì giá vẫn bình ổn. Các loại rau củ được chọn mua nhiều nhất. khoảng 3-4 giờ chiều nay, nhiều siêu thị đã hết sạch rau xanh như Fivimart, Oceanmart và Hapro.
    Thực phẩm tăng nhẹ
    Cũng giống như trong cơn bão số 5, khi giá các loại rau xanh liên tục tăng thì các loại thực phẩm vẫn chỉ đứng giá và một số loại có tăng nhẹ.
    Giá trứng tăng thêm 1.000-3.000 đồng/chục: trứng cút 16.000 đồng/chục, trứng vịt 32.000-36.000 đồng/chục tùy loại to nhỏ, trứng gà công nghiệp 22.000-23.000 đồng/chục. Theo một tiểu thương tại chợ Đồng Xa: “Mấy người giao hàng thông báo rồi, vài ngày nữa giá trứng các loại sẽ tăng thêm 2.000-3.000 chục”.
    Giá các loại trứng tăng nhẹ
    Từ vài ngày trước giá thịt lợn tại một số chợ đã tăng giá thêm từ 10.000-15.000 đồng/kg nên dù trong ngày bão giá cũng không tăng đáng kể: thịt ba chỉ 85.000-90.000 đồng/kg, thịt thăn đã lọc: 105.000- 115.000 đồng/kg, xương sườn loại ngon 100.000- 105.000 đồng/kg.
    Các loại cá, thủy hải sản tại các chợ cũng tăng nhẹ từ 5.000-15.000 đồng/kg. Theo người bán giá tăng để bù vào công vận chuyển trong những ngày bão.
    Cá tươi dù tăng giá nhưng vẫn khá đắt khách.
    Nguy cơ khan hiếm, tăng giá rau xanh sau bão
    Hai cơn bão số 5 và số 6 chỉ cách nhau vài ngày và đều ảnh hưởng chủ yếu đến vùng Đông Bắc Bộ, khiến mưa lớn và gió mạnh xảy ra tại nhiều địa phương.
    Nhiều vùng trồng rau xanh cung cấp cho thành phố Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ. Nhiều diện tích rau bị hư hại, ngập úng, các lứa rau trồng kế tiếp cho các ngày tới cũng không có nhiều. Thời gian sau bão có thể xảy ra hiện tượng khan hiếm và tăng giá rau.
    Theo một tiểu thương tại phố Doãn Kế Thiện: “Đợt bão trước đã làm hỏng khá nhiều rau, giờ lại đến đợt bão này gây mưa lớn. Chắc chắn mấy ngày tới sẽ “khan” rau và giá đắt hơn nhiều”.
    Còn nhớ năm 2008, khi trận lụt lịch sử xảy ra, Hà Nội gần như bị biệt lập khỏi các vùng khác, thực phẩm và rau xanh trở nên khan hiếm. Và như một điều tất yếu, các siêu thị trở nên đắt khách, trái hẳn với ngày thường. Thậm chí nhiều nơi còn xảy ra tình trạng tranh cướp để mua được mớ rau, gói mì. Chính vì vậy, mà nay mỗi khi có dấu hiệu bão lớn, hoặc ngập lụt sâu, người dân lại có tâm lý bất an, lo tích trữ thực phẩm và đồ thiết yếu như thời chiến tranh, các khu chợ, siêu thị lại được dịp “ăn nên làm ra” gỡ gạc cho chuỗi ngày ế ẩm vì tâm lý thắt lưng buộc bụng vì khủng hoảng kinh tế.
    Theo baomoi.com

Các bài đã đăng