Xin chờ...

09/10/2013 | 02:47 GMT+7


Đôi điều về Mô hình VAC
  •  Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặc biệt chú trọng đến nông dân vùng nông thôn; vùng sâu, vùng xa, khuyến khích người nông dân tăng gia sản xuất, có tiền mua đủ gạo ăn, không bị đói; đủ thực phẩm hàng ngày; phát triển cơ thể và giữ gìn sức khỏe một cách tốt nhất; trẻ em có trí nhớ, học hành; người lớn có đủ sức khỏe lao động sản xuất; người già giảm thiểu bệnh tật và duy trì tăng cao tuổi thọ.

    Thực phẩm không cần ăn nhiều nhưng phải đủ, như thịt bò, thịt heo, tôm, tép, cá, trứng, rau xanh, trái cây,… Những thứ đó vùng nông thôn không thiếu thốn.

    Tuy nhiên, phải biết cách phân biệt thực phẩm chất lượng cao, tươi sống và thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng; biết cách thu hái, bảo quản, tồn trữ, chế biến sao cho ngon, không làm mất đi và giữ được dinh dưỡng. Khi ăn vào cơ thể chuyển hóa, hấp thu nhiều và tốt nhất.

    Ngoài ra, người nông dân dù có thường xuyên “tay lấm chân bùn” nhưng cũng biết giữ gìn, sử dụng thực phẩm mình ăn hàng ngày được sạch. Nghĩa là thực phẩm không bị pha tạp chất đất cát, bẩn do hư, úng; rau xanh, trái cây sạch, không bị nhiễm vi sinh vật như vi khuẩn E.Coli (gây bệnh đường ruột), salmonella (gây bệnh thương hàn); rau quả không có dư lượng thuốc hóa học trừ sâu.

     

     Đôi điều về Mô hình VAC

                                                                               Đàn gà trong mô hình VAC.

    Các loại thịt cần phải tươi, không được hôi thối, không nên mua thịt các con vật bị bệnh dịch tai xanh, lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng, bệnh cúm… sẽ lây lan mầm bệnh xung quanh, trong nhà; đồng thời khi ăn con người cũng có hại đến sức khỏe.

    Các loại thủy sản, đặc biệt là nghêu, sò, ốc, hến, thường có các sán ký sinh, khi ăn chưa đủ chín, chúng xâm nhập vào đường tiêu hóa dẫn đến nhiều cơ quan, thậm chí lên não gây nguy hiểm cho con người.

    Môi trường nước trên sông rạch cũng có nhiều vi khuẩn E. Coli vì thế khi sử dụng nước rửa các lọai thực phẩm cũng cần phải có nước sạch được xử lý diệt khuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm.

    Ngày nay, khoa học dinh dưỡng đã chứng minh con người ăn nhiều cũng không tốt cho cơ thể. Người lớn tuổi, người già không nên ăn quá nhiều dầu mỡ làm tăng cholesterol, gây xơ cứng động mạch, tăng cao lượng mỡ trong máu, gan bị nhiễm mỡ gây bệnh tim mạch, huyết áp cao. Trẻ em không nên lạm dụng thực phẩm ăn nhanh và ăn nhiều các chất lipid cũng dễ bị bệnh béo phì.

    Người lớn chỉ nên ăn vừa đủ tinh bột, dưỡng chất đáp ứng năng lượng để lao động, làm việc trong gia đình, cống hiến, phục vụ ngoài xã hội. Đặc biệt quan tâm đến trẻ em, khi ăn phải đủ dưỡng chất nhất là protein (thịt, cá), lipid (mỡ, dầu ăn), glucid (rau, đậu) cung cấp nhiều chất xơ, khoáng chất. Nguyên tố sắt, canxi, magiê rất cần trong máu, xương. Hợp chất beta-caroten (tiền sinh tố A) màu vàng có trong đu đủ, cà chua, củ cà rốt, rau dền giúp sáng mắt, hấp thu tốt canxi. Vi chất iốt trong cá biển, một nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong cơ thể nhưng đóng góp quan trọng, nhằm phát triển trí não, tư duy, sự thông minh của trẻ em.

    Hiện nay, vấn đề gạo, lương thực không thiếu nhưng có thể có nơi, có hộ không có tiền để mua gạo. Tuy nhiên, không thể chấp nhận đói hoặc thiếu gạo ăn bởi vì nhiều nơi không còn hộ đói, chỉ còn hộ nghèo. Hộ nghèo có thể thiếu thực phẩm ngon, giàu dinh dưỡng, nhất là thịt, cá nhưng rau xanh quanh nhà cũng có, nếu chúng ta chịu khó trồng, chăm sóc hoặc đi thu, hái nơi hoang dã tự nhiên thì cũng có nhiều rau xanh, như: bù ngót, mồng tơi, rau má, lá cách, tàu bay, dền dền, rau lang, rau muống… đó là rau dại nhưng là rau sạch, lại dinh dưỡng cao mà nơi thành thị, giàu có cũng khó tìm mua được.

    Mỗi gia đình cần dành một khoảnh đất để trồng thêm các thứ rau thơm, rau diếp cá, cây hành, cây cần tàu, cây ớt, cây cà chua, cây đậu bắp, dây đậu rồng, dây đậu bún, nơi xa chợ khi cần cũng có nấu ăn ngon miệng.

    Biết tận dụng các ao mương để thả nuôi cá, tôm các loại mỗi khi thắt ngặt cũng có thể bắt lên để ăn, nhất là lúc trong nhà có con nhỏ, không thể để thiếu dinh dưỡng, bị còi xương, chậm lớn.

    Sau nhà cũng có vài con gà, vịt đẻ, luôn có trứng để bổ sung bữa ăn giàu đạm mà người lớn, trẻ con đều cần thiết.

    Những thứ có được xung quanh nhà đều là sản phẩm sạch, nuôi trồng tự nhiên, không sợ có các chất hóa học kích thích sinh trưởng trên cây trồng như 2,4 D, Paclobutatrazol; kích thích tăng trọng trong chăn nuôi như clenbuterol, Sallbutamol; chất giữ thịt màu đỏ và tươi sau khi giết mổ như Ethephon; các chất nêu trên thật sự tác hại đến sức khỏe con người.

    Tóm lại, mặc dù trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người nông dân nếu biết tính toán “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”; có kiến thức đời sống dinh dưỡng, ứng dụng mô hình VAC trên mảnh vườn của mình xây dựng bữa ăn hàng ngày cho gia đình một cách khoa học, có văn hóa theo như Hội Làm vườn đã phát động.

    Theo UBND Bến Tre


Các bài đã đăng