Xin chờ...

02/04/2013 | 03:25 GMT+7


Hội Làm vườn - nơi bà con tin cậy
  •  

    Mặc dù mạng lưới cơ sở Hội còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, nhưng chặng đường mà Hội Làm vườn (HLV) Hà Giang đi qua đã để lại dấu ấn không nhỏ, trở thành đơn vị đi đầu trong việc khẳng định thương hiệu hàng hoá, chủ động đưa nông sản hội nhập với thế giới.

    Sau nhiều cuộc điện thoại, chúng tôi cũng gặp được ông Hoàng Quyền, Phó chủ tịch HLV Hà Giang. Ông Quyền phân trần: Nhà báo thông cảm nhé! Vì lực lượng cán bộ Hội mỏng mà địa bàn thì mênh mông, thành thử lãnh đạo Hội đều kiêm nhiệm và lúc nào cũng “trên tầng cây số”. 

    Hà Giang là tỉnh nghèo, gồm nhiều đồng bào dân tộc (Mông, Giáy, Lô Lô, Pu Péo, Tày, Nùng...) sinh sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ canh tác hạn chế. Ban đầu, lãnh đạo Hội xác định để bà con biết đến Hội đã là thành công lắm rồi. Cũng may, không lâu sau, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Hội lại có động lực bật lên. Càng đi cơ sở, cán bộ Hội càng thấm thía những khó khăn của bà con trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đồng thời cũng biết được lợi thế, tiềm năng của từng vùng. Chính vì thế, vừa động viên bà con, Hội vừa tham mưu cho chính quyền địa phương khoanh vùng phát triển sản xuất hàng hoá với quy mô lớn như vùng cam Bắc Quang, xoài Yên Minh, hồng không hạt Quản Bạ, bò Mèo Vạc, mật ong Đồng Văn... Nhờ sự góp sức của HLV, phong trào kinh tế trang trại của tỉnh Hà Giang ngày càng “nở rộ”. Toàn tỉnh hiện có 100.000 hộ làm kinh tế VAC, trong đó, khoảng 400 hộ đạt tiêu chí trang trại, hàng nghìn hộ đang có kế hoạch đầu tư sản xuất theo mô hình trang trại. Năm 2008, tỉnh có trên 13.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

    Ông Quyền cho biết: “Những thành quả ấy vẫn chưa phải là mục tiêu mà HLV Hà Giang đề ra. Từ lâu, anh em cán bộ Hội đã tâm niệm: Phải làm thế nào để nông sản của bà con có chỗ đứng vững chắc trên thị trường!”. Thành công lớn nhất sau bao trăn trở là HLV đã xây dựng thành công nhãn hiệu “cam sành Hà Giang”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) công nhận và bảo hộ sản phẩm trên toàn quốc. ông Quyền tâm sự: “Khi ấy, sản lượng cam tương đối lớn, lại chín ồ ạt khiến nông dân tiêu thụ không kịp, Hội đã xây dựng 40 mô hình với tổng diện tích 10ha, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng. Hỗ trợ vật tư, kỹ thuật ban đầu cho 15 xã trồng cam của huyện Bắc Quang áp dụng công nghệ bảo quản cam bằng màng bán thấm BQE -15 nhằm giúp cam tươi lâu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng”. 

    Đến nay, cam sành Hà Giang đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Tạo được lòng tin cho chính quyền và sự yêu mến của nông dân, HLV đã trở thành địa chỉ tin cậy để bà con chia sẻ và cập nhật những cách làm hay, tiến bộ kỹ thuật mới. Đó cũng là bí quyết thu hút hội viên đến với Hội ngày càng đông. Từ năm 2006 – 2008, HLV Hà Giang kết nạp thêm gần 1.000 hội viên, nâng tổng số hội viên lên hơn 9.000 người. 

    Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hoá: Phấn đấu không phải vì thành tích 

    Hội Làm vườn và Trang trại (HLV và TT) Thanh Hoá thành lập năm 1987, qua hơn 22 năm phát triển và trưởng thành, Hội đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành quả đáng khâm phục.


    Thúc đẩy phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế VAC là nhiệm vụ trọng tâm của HLV và TT Thanh Hóa. Đến nay, các cấp Hội và hội viên ở Thanh Hoá đã tu bổ hàng nghìn hécta vườn tạp, trồng mới 100.000ha cây ăn quả. Nghề nuôi ong mật khá phát triển với trên 18.340 đàn, sản lượng 130 tấn mật/năm. Toàn tỉnh có 3.384 TT đạt tiêu chí với trên 50% chủ TT là hội viên HLV. Công tác huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được coi trọng, Hội đã tổ chức được 235 lớp cho 11.050 hội viên. Những mô hình do HLV và TT Thanh Hoá xây dựng không những giúp bà con tăng thu nhập mà còn mang tính hướng dẫn, gợi mở để hội viên vận dụng có hiệu quả. Gần đây, Hội đã chuyển giao thành công chương trình nuôi ếch Nam Mỹ và cá rô phi đơn tính, được bà con cũng như người tiêu dùng hoan nghênh. Hiện, Hội đang tích cực chỉ đạo hội viên xây hầm biogas cải tiến và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh... Chính nhờ những việc làm thiết thực mà hoạt động Hội đã lan rộng tới 23/27 huyện, thị, thành phố; 368/636 xã, phường có tổ chức Hội với 1.106 chi Hội ở thôn, xóm, làng, bản và 18.500 hội viên.

    Một trong những mốc son quan trọng của Hội là năm 2008, HLV tỉnh đổi tên thành HLV và TT Thanh Hoá; thành lập CLB trang trại, thu hút 150 chủ TT tham gia. Hội cũng thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: “Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế trang trại theo chiều sâu và hiệu quả cao”, “Di ương và nuôi một số giống cá chất lượng cao”; Hội còn thiết lập đường dây dịch vụ giống cá chất lượng cao; tiến hành di ương, chuyển giao gần 1 triệu con giống cá rô phi đơn tính, cá chuối, rô đồng bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, sạch bệnh cho hội viên.

    Mặt khác, Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và HLV các huyện tổ chức 13 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho 590 học viên; xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ở Tân Ninh (Triệu Sơn) và vườn tình nghĩa Chùa Chạn (Cẩm Thủy)... Trung tâm hỗ trợ VAC -TT triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên trong việc trồng cây ăn quả, nuôi gà thả vườn; nuôi gà an toàn sinh học. Hội còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn thực hiện giai đoạn 2 dự án “Phát triển mô hình biogas - VACVINA cải tiến”. Chỉ sau 2 năm, Hội đã vận động nông dân làm được 514 hầm biogas; tổ chức 7 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật xây dựng hầm biogas và sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho 465 hội viên. 

    Ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch HLV và TT Thanh Hóa cho biết: “Để góp phần thiết thực chào mừng và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc HLV Việt Nam lần thứ V, HLV và TT Thanh Hóa phấn đấu 85% tổ chức Hội đạt danh hiệu vững mạnh, phát triển VAC, VAC hàng hóa nhằm xóa đói giảm nghèo, góp phần tạo ra nông sản hàng hoá chất lượng cao, “xây” thêm nhiều dấu son quan trọng trên chặng đường phát triển...”.

    Hội Làm vườn và Trang trại TP. Hồ Chí Minh: Phát triển mô hình VAC đô thị

    Năm 2008, Hội Làm vườn và Trang trại (HLV và TT) TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới trong hoạt động bằng việc mở rộng liên kết với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp, đoàn thể để xây dựng các mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả cao. 
     

    Ông Nguyễn Quý Thu, Phó chủ tịch HLV và TT thành phố cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi đã tổ chức được 742 buổi sinh hoạt, tuyên truyền cho 17.200 lượt hội viên và nông dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh; tổ chức tọa đàm, hội thảo cho gần 1.200 người; tổ chức cho 52 chủ TT giao lưu về phát triển trồng nấm, trồng cỏ VA06, nuôi heo rừng, nhím, ba ba, cá sấu. Trong năm 2008, Hội đã phát triển thêm 315 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn thành phố lên 5.770 người, đồng thời thành lập Câu lạc bộ TT huyện Củ Chi”. 

    Ngoài việc hỗ trợ hội viên nâng cao tay nghề, học hỏi kinh nghiệm, HLV và TT thành phố còn tổ chức 1 lớp tập huấn về quản lý sản xuất trong thời kỳ hội nhập cho 34 chủ TT; triển khai hàng chục mô hình VAC điểm để quảng bá, nhân rộng. Ngoài ra, Hội còn nhận ủy thác, giúp hội viên và nông dân vay vốn với số tiền trên 300 tỷ đồng, ký liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ gần 200 hội viên và chủ TT vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 10-30 triệu đồng/hộ. 

    Cùng với việc hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, Hội còn tổ chức 8 điểm giúp hội viên và nông dân tiêu thụ sản phẩm tại Hóc Môn. Ngoài ra, thành Hội còn tổ chức Hội thi Vườn sinh thái đẹp lần 3 (2007-2008), tạo điều kiện cho các chủ vườn quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2008, thành Hội đã xây dựng được 35 ao tình nghĩa, tình thương giao cho 35 hộ nghèo tại huyện Nhà Bè với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Riêng quận Hội Thủ Đức còn giúp 66 hộ bị thiệt hại do triều cường, vỡ đê bao sớm ổn định sản xuất. Năm 2008, Hội có trên 1.400 hội viên (chiếm 30% tổng số hội viên) đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. 

    Năm 2009 được xác định là năm có nhiều khó khăn trong sản xuất do suy thoái kinh tế toàn cầu, vì thế, HLV và TT TP. Hồ Chí Minh càng phải đề cao nhiệm vụ và vai trò của mình trong việc giúp hội viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và làm giàu. Theo ông Thu, Hội sẽ phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT giúp bà con vay vốn, xây dựng các mô hình VAC phục vụ đô thị để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế. 
     

    Trần Nga (Theo KTNT)


Các bài đã đăng