Năm 2000, vợ chồng bà Dung bán cả gia sản ngoài Hưng Yên vào Bình Phước lập nghiệp. Với 1ha đất trắng và 1ha đất sình, ông bà làm lụng vất vả với mong muốn đất đầm sình sẽ “nhả vàng”. Sau khi tham khảo ý kiến bạn bè, người thân, bà Dung quyết định vay ngân hàng hơn 80 triệu đồng thuê máy xúc về đào ao. Chỉ sau 15 ngày, việc xây dựng ao hoàn tất, ông bà bắt đầu mua cá giống về thả nuôi.
Đối với cá trắm, cá trôi ăn cỏ, gia đình không lo lắng lắm, nhưng từ khi nuôi thêm cá chép, cá chim, rô phi, mè để tận dụng thức ăn tầng trên và tầng dưới ao thì ông bà phải đối mặt với nhiều khó khăn. Lượng phân của cá trắm, cá trôi và ấu trùng, rong rêu trong ao không thể đáp ứng đủ nguồn thức ăn cho các loại cá khác, khiến đàn cá chậm lớn, sản lượng đạt thấp. Từ thực tế đó, bà Dung tiếp tục đầu tư vốn để xây dựng hệ thống chuồng heo và nuôi gần 100 con/lứa ngay bên bờ ao; một nửa lượng phân heo ông bà tiến hành xử lý rồi bón xuống ao làm thức ăn cho cá; nửa còn lại bón cho 1ha xoài cát Hòa Lộc. Từ đó, hiệu quả kinh tế của gia đình tăng lên, đặc biệt là cá lớn nhanh, ít bị bệnh.
Bà Dung cho biết: “Nhờ thực hiện mô hình VAC mà kinh tế gia đình khấm khá dần. Tuy nuôi cá vất vả, nhưng đây là mô hình lấy ngắn nuôi dài hiệu quả. Từ những đồng lãi của việc nuôi cá, tôi tiếp tục đầu tư mua heo giống, mua phân bón chăm sóc vườn xoài, riêng thu nhập từ đàn heo đã đạt 60-70 triệu đồng/lứa”.
Hiện, gia đình bà Dung đang có 1ha xoài cát Hòa Lộc sai trĩu quả, hàng năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. “Vườn xoài của gia đình ít có sâu bệnh, cây phát triển xanh tốt và cho quả nhiều nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng kỹ thuật”, bà Dung nói.
“Sở dĩ vợ chồng tôi trồng xoài cát Hòa Lộc vì đây là loại xoài đặc sản nổi tiếng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dễ trồng, năng suất cao (gần 4 tấn/ha), dễ tiêu thụ và giá thành cao hơn so với xoài thường (có thời điểm lên tới 45.000 đồng/kg). Quả xoài có trọng lượng trung bình 350 - 450g, hình dạng thuôn dài, khi chín vỏ có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng tươi, cấu trúc thịt chắc, mịn và ít xơ, vị ngon và thơm nên được khách hàng ưa dùng”, bà Dung thích thú nói.
Không những thế, bà Dung còn tận dụng diện tích đất trống trong vườn xoài để trồng thêm quýt và các loại cây ăn trái khác nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Với sự siêng năng và linh hoạt trong tính toán làm ăn, chỉ sau 3 năm, bà Dung đã trả hết nợ vay vốn đào ao, xây dựng chuồng heo và trở thành gia đình có thu nhập khá ở địa phương.
Quảng Bình