Nhằm hỗ trợ cho việc xúc tiến thương hiệu cho làng nghề và sản phẩm của mỗi địa phương, nên chăng xây dựng thương hiệu cho nhóm nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương, thông qua việc thành lập các tổ chức hiệp hội ngành nghề?
Nhằm biến những lợi thế cạnh tranh này trở thành những yếu tố phát triển bền vững, bên cạnh việc quy hoạch, phát triển nhân lực và chính sách bảo vệ môi trường, còn có một nhân tố quyết định: Thương hiệu. Một thương hiệu chung cho các làng nghề là điều kiện cần thiết giúp sản phẩm vươn xa, tránh bị sao chép và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Thương hiệu ấy là tài sản và là niềm kiêu hãnh của mọi người dân trong vùng.
Sự cần thiết và vai trò của các hiệp hội
Nguyên tắc của nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý là chứng minh được những đặc điểm khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu và bí quyết sản xuất dẫn đến việc tạo ra những sản phẩm độc đáo mà nơi khác không có được. Và điều quan trọng nữa là cần phải có một cơ quan hay tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất ở mỗi địa phương để chứng nhận yêu cầu đăng ký nhãn hiệu địa phương của mỗi thành viên.
Trong lúc chưa có các hiệp hội ngành nghề thì chính quyền địa phương có thể đứng ra xác nhận tính chất hợp chuẩn của các đơn vị tại địa phương có yêu cầu đăng ký sử dụng nhãn hiệu chung. Cơ quan quản lý Nhà nước cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa không thể làm thay việc này cho từng địa phương được.
Trong chiến lược thương hiệu của các địa phương mà hiệp hội ngành nghề là cơ quan đại diện không nhất thiết chỉ có một nhãn hiệu theo chỉ dẫn địa lý. Hiệp hội hoàn toàn có thể xây dựng những thương hiệu mới cùng với một quy chế gắn nhãn để các doanh nghiệp thành viên có thể khai thác sử dụng cho nhãn hiệu sản phẩm của mình. Đây là điều mà Hiệp hội Chè Việt Nam đang thực hiện, bên cạnh tên hiệp hội (Vitas) còn có tên thương hiệu sản phẩm (hiện đang được xây dựng).
Sở dĩ vấn đề này được đặt ra là vì có không ít trường hợp tên thương hiệu theo chỉ dẫn địa lý không thể đăng ký bảo hộ được trên phạm vi quốc tế (ví dụ trùng tên với một địa danh ở Trung Quốc chẳng hạn), thì khi đó một cái tên nhãn hiệu mới là thật sự cần thiết; hoặc cũng có thể do địa danh khó đọc và không phù hợp với hình ảnh thương hiệu (ví dụ thành phố Johannesburg của Nam Phi hiện có thêm một cái tên mới, đó là Joburg).
Cũng giống như các hiệp hội trong những lĩnh vực khác, vai trò của hội là xem xét tư cách để một doanh nghiệp được gắn nhãn là thành viên của hiệp hội, được sử dụng danh xưng hay thương hiệu của hiệp hội. Nếu có một quy chế rõ ràng thì việc gắn nhãn nói trên sẽ trở nên thuận lợi, và quan trọng là không thể xem xét vấn đề gắn nhãn theo cơ chế xin - cho.
Một số ý tưởng thực hiện
Một chuyên viên về thương hiệu gần đây trong chuyến tham quan làng nghề gốm Bàu Trúc của đồng bào dân tộc Chăm (Ninh Thuận) đã nảy ra ý tưởng hợp tác trong việc đăng ký di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO, từ đó xúc tiến các hoạt động quảng bá thương hiệu và xuất khẩu sán phẩm. Sản phẩm này hình thành cách đây hàng ngàn năm là mang những yếu tố rất đặc trưng.
Kẹo dừa Bến Tre cũng là một thương hiệu sáng giá tham gia chương trình “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam” do Cà phê Trung Nguyên tài trợ. Kẹo dừa Bến Tre hầu như hội đủ những điều cần thiết cho một thương hiệu theo chỉ dẫn địa lý.
Còn rất nhiều những ý tưởng sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Hy vọng rằng bên cạnh những thương hiệu mạnh do các doanh nghiệp vừa và lớn đang xây dựng, chúng ta còn có những thương hiệu mạnh từ những ngành nghề truyền thống và đương đại của mỗi địa phương, kết tinh từ trí tuệ và mồ hôi lao động, mang đặc trưng văn hóa của mỗi vùng, miền và vươn ra thế giới.
Theo TBKTSG