NK cá ngừ của Châu Mỹ Latinh sẽ chiếm khoảng 13% tổng sản lượng của ngành cá ngừ Châu Á.
Năm 2012, khoảng 200.000 tấn cá ngừ nguyên con đông lạnh đã được chuyển từ các ngư trường WCP tới các cảng cá ngừ ở Ecuador, Mexico và Colombia, chiếm 8,5% tổng sản lượng khai thác ở WCP, khiến các nhà máy đồ hộp ở Mỹ Latinh ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh với các nhà máy đồ hộp ở Samoa (Mỹ), Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và đặc biệt là Thái Lan - những khu vực phụ thuộc phần lớn vào sản lượng cá ngừ WCP. Các nhà NK cá ngừ nguyên liệu ở Mỹ Latinh sẵn sàng trả giá cao hơn nên Thái Lan cũng phải tăng giá NK và khó kiểm soát nhu cầu nguyên liệu. Điều này làm cho giá cá ngừ thế giới tăng cao nhất trong năm qua, giá cá ngừ vằn >1,8 kg lên tới 2.350 USD/tấn (giá CFR Bangkok).
Năm 2012, các nhà máy đồ hộp ở Mỹ Latinh chế biến tổng cộng 740.000 tấn cá ngừ nguyên con (gồm 540.000 tấn cá ngừ khai thác ở EPO và 200.000 tấn cá ngừ NK từ WCP. Như vậy, sức mua và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy ở Mỹ Latinh gần tương đương với toàn bộ ngành chế biến cá ngừ của Thái Lan.
Các nhà chế biến Thái Lan chưa tận dụng được thị trường Châu Á và phụ thuộc nhiều vào các thị trường xa xôi như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Trung Đông trong khi các nhà chế biến Mỹ Latinh có thể phục vụ cho các thị trường nội địa hoặc lân cận (thị trường trả giá cao), sau đó mới tìm đến các thị trường NK trả giá thấp hơn ở Châu Âu hoặc Mỹ. Tổng thị trường tiêu thụ của Mỹ Latinh ước tính khoảng 50 triệu thùng (48 x 170 gam) cá ngừ hộp và vẫn đang tăng.
Năm 2013, nhu cầu cá ngừ WCP của Mỹ Latinh dự kiến còn mạnh hơn, nhất là khi sản lượng khai thác ở EPO sụt giảm. Ngành chế biến ở EPO có khả năng phải NK thêm 100.000 tấn so với 200.000 tấn hiện nay để duy trì sản lượng chế biến hiện tại. NK của khu vực này sẽ chiếm khoảng 13% tổng sản lượng của ngành cá ngừ Châu Á.
Nguồn: Vasep