Lựa chọn nhím là con vật chủ lực, anh Đinh Văn Duyệt ở xã Quy Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình) đã mở ra bước ngoặt mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nâng cao thu nhập trên vùng đất còn nhiều gian khó này...
 |
|
Năm 2005, sau bao ngày tháng lăn lộn tìm hiểu những kiến thức về nuôi nhím, anh Duyệt tiến hành xây chuồng trại với quy mô phù hợp. Anh kể: “Hồi mới bắt đầu nuôi nhím, ai cũng nói tui điên, tiền bạc không có mà toàn làm những việc hoang tưởng”.
Để đảm bảo thành công, anh chịu khó đi lựa chọn con giống tốt ở một số địa phương và mua được 3 cặp nhím giống trị giá 15 triệu đồng. Qua tìm hiểu, anh quyết định chỉ cần nuôi 1 con đực là có thể duy trì được sinh sản nên anh cho bán 2 con đực, mua bổ sung thêm 2 con cái. Vì là lứa nuôi đầu tiên, còn nhiều bỡ ngỡ nên anh liên hệ với Viện Chăn nuôi để mua thêm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật. Có tài liệu trong tay, cùng với những chuyến tham quan thực tế, anh Duyệt tự tin vừa học, vừa làm. Nhờ chăm sóc chu đáo, đúng hướng dẫn kỹ thuật, đàn nhím của anh Duyệt ngày một sinh trưởng và phát triển.
Qua một năm nuôi thử nghiệm, đàn nhím của anh đã đẻ được 2 lứa/năm, mỗi năm gia đình anh có thêm 8 con nhím. Nếu tính theo số lượng và thời gian nuôi thì cứ mỗi cặp nhím nuôi trong vòng 4 tháng tuổi, anh Duyệt lại có trong tay 12 triệu đồng.
Nói về kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi nhím, anh cho biết: “Nhiều người cho rằng nuôi nhím khó vì chúng là động vật hoang dã, nhưng thực tế chúng sống rất tốt trong chuồng. Thức ăn dễ tìm kiếm, chủ yếu là các loại rau, quả, lá và hạt ngô”.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng chí hướng. Anh giúp bà con từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc và sẵn sàng làm thầy thuốc đến kiểm tra sức khỏe cho đàn nhím.
Thời gian tới, anh Duyệt sẽ mở rộng diện tích, phát triển thêm đàn nhím, góp phần giúp các hộ nông dân nghèo trong vùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Văn Lâm (Theo Kinh tế)