Lúc đầu, anh áp dụng nuôi heo trên đệm lót sinh học Balasa No 1 trong 4 ô, mỗi ô chuồng 20m2 nuôi 20 con heo thịt. Sau khi thành công, anh áp dụng cho toàn bộ trang trại với khoảng 250 heo thịt. Đây cũng là lứa thứ tám liên tiếp anh nuôi heo theo công nghệ mới này.
Khi sử dụng đệm lót sinh học, anh Dũng rất tâm đắc với những ưu điểm nổi bật như: Hầu như không còn mùi hôi thối từ trại heo mà trước đó là nỗi ám ảnh đối với bà con lối xóm; giảm 50-70% nhân công vì không phải tắm và rửa chuồng cho heo (trước đó, anh phải sử dụng ít nhất 2 - 3 công nhân nhưng hiện anh chỉ sử dụng 1 công nhân để chăm sóc đàn heo); giảm 70% tiền điện (trước anh phải trả khoảng 1,5 triệu đồng/tháng tiền điện nhưng nay chỉ phải trả 400.000 đồng); không phải làm nền chuồng, giúp giảm chi phí đầu tư trong nuôi heo vì mỗi mét vuông chuồng heo bằng bê-tông tốn khoảng 200.000 - 300.000 đồng; rút ngắn thời gian nuôi từ 10-15 ngày để heo đạt 100kg. Với giống heo hiện tại, anh chỉ cần nuôi 140 - 145 ngày kể từ sơ sinh là đã đạt bình quân 100kg thay vì trước kia phải nuôi 155 - 160 ngày. Mặt khác, nuôi heo theo phương pháp này còn giảm chi phí thức ăn trên 1kg tăng trọng. Đặc biệt, heo nuôi trên nền đệm lót sinh học không bị tiêu chảy khi tách mẹ; không bị bệnh đường hô hấp, bệnh xảy ra phổ biến khi nuôi heo trên nền xi măng thông thường; heo không bị bệnh ngoài da, bệnh này thường xảy ra khi heo được 50kg trở lên và thường rất khó bán những con heo này; thu thêm nguồn phân bón khá tốt cho cây trồng vì chúng đã qua phân hủy, xử lý. Sau khoảng 2 năm nuôi, anh làm lại đệm lót, phân đóng thành bao (khoảng 25 kg/bao) và bán với giá 10.000-12.000 đồng/bao.
Hiện, chính quyền xã Lộc Thiện đang khuyến khích người dân học tập và nhân rộng mô hình này.
Nguyễn Văn Bắc