Xin chờ...

09/10/2013 | 03:03 GMT+7


Nga Sơn làm hàng cói xuất khẩu
  •  

    Ðó là niềm tin mà người Nga Sơn (Thanh Hóa) rút ra từ thực tế ba năm đưa cây cói vào làm hàng xuất khẩu vừa qua. Từ việc thăm dò giá cả, chào hàng, người Nga Sơn có thể khẳng định: "Cây cỏ xen-ni-lô mềm mại, duyên dáng này sẽ tìm được chỗ đứng có giá trị cao hơn".

    Lắp đặt máy dệt chiếu.
    Lắp đặt máy dệt chiếu.

     Đổi sản phẩm

    Trở lại Nga Sơn lần này, điều dễ nhận ra là cán bộ lãnh đạo mới của huyện trẻ (thay thế 80% số cũ), nhưng cán bộ quản lý doanh nghiệp, tổ hợp hình như còn nguyên. Người lao động chiếm 80 - 90% ở độ tuổi từ 15 đến 23, phần lớn là nữ. Gái vùng biển khỏe mạnh, xinh đẹp, ứng xử khôn ngoan, đầy trí tuệ, một lớp thanh niên mới, sinh sau chiến tranh, tư chất thông minh. Hỏi cháu Ngân, người xã Nga Liên; cháu Hậu, người xã Nga Thanh đang ngồi quay máy xe sợi cói: "Các cháu là công nhân hay học nghề?". "Chúng cháu là học sinh phổ thông, học nghề nhưng phải làm ra sản phẩm bảo đảm chất lượng để có tiền công". "Doanh nghiệp trả lương cho các cháu được bao nhiêu, theo cách nào?". Có cháu 400 nghìn, có cháu được 600 nghìn đồng/tháng. Số đông các cháu đang đi học văn hóa, tranh thủ nửa ngày hoặc thời gian đêm kiếm tiền đỡ đần bố mẹ. Vậy là việc học chữ, học nghề ở một vùng quê có nghề truyền thống, tự nó nâng đỡ cho nhau, phù hợp sự phân công lao động gia đình.

    Chiếu Nga Sơn nổi tiếng từ lâu. Nhưng mặt hàng cói hiện nay buộc phải thay đổi, mở rộng sản phẩm để phù hợp xu thế thời đại. Các nước công nghiệp phát triển, từ xưa sử dụng túi ni-lông làm các loại bao bì đựng hàng hóa, rau quả, thực phẩm, đồ dùng mỹ nghệ... Nhưng lại phải làm ra các nhà máy để tiêu hủy các bao bì đó. Song hành với sự tốn kém đầu tư công nghệ là ảnh hưởng xấu đến môi trường đời sống con người. Vì thế, người Nhật Bản đã có mặt rất sớm tại Nga Sơn. DN của Nhật Bản đặt hàng một số sản phẩm bằng cói do DN Nga Sơn làm là: Giỏ đựng hoa quả, rổ rá, bình hộp có nắp đậy, bị túi, với nhiều kiểu dáng, các loại đệm cói tròn như cái mâm, có viền vải bọc chung quanh, chiều cao đệm 5-6 cm, đường kính 5 dm, có cả hai loại vuông, tròn. Ðó là đệm cho người Nhật ngồi tiếp khách trong nhà theo phong tục văn hóa lâu đời. Ngoài ra, các loại chiếu gấp hai, ba lớp. Chiều dài sợi khoảng 50-60 cm, ghép vào nhau qua một viền vải nối ở giữa, chung quanh bọc viền vải mầu. Khi gấp lại cho vào túi đeo, xách gọn gàng, khi giở ra là chiếc chiếu một, chiếu đôi rất tiện dụng. Ngạc nhiên hơn, chúng tôi vào một nhà xưởng làm sản phẩm, cũng toàn làn, túi đựng, sọt thấp, sọt cao, được làm từ cây bèo tây khô. Hàng đống cây bèo khô dài hơn chiếc đũa được phơi sấy kỹ càng. Sản phẩm đó được nhập từ các huyện trong tỉnh. Tất cả hàng chục sản phẩm mới đó là mặt hàng cói đổi mới mở rộng của DN do chị Trần Thị Việt làm chủ. 

    Ðã 15 năm có dư khi chúng tôi về Nga Sơn, lúc đó người phụ nữ vùng biển này là vợ một liệt sĩ, nuôi bốn con nhỏ, một mẹ già, đời sống rất khó khăn. Tập hợp gần 100 thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, chị Việt lập ra tổ hợp làm dịch vụ cây cói, rồi làm ra sản phẩm, tổ chức sản xuất và kinh doanh. Vào những năm các nước Ðông Âu tan rã hàng cói trở nên rẻ mạt, đất cói bị phá một phần ba tổng diện tích... Nay trở lại Nga Sơn, DN của chị Trần Thị Việt đã có hai nhà xưởng 3.500 m2, một trụ sở giao dịch làm việc ba tầng và chị đã có 200 - 300 hộ gia đình làm vệ tinh sản xuất sản phẩm cói, bèo. Năm 2006, DN của chị Việt đạt giá trị sản phẩm mới xuất khẩu 300 nghìn USD và hàng tỷ đồng hàng nội địa. 

    Nguyên liệu cói, 80% "trôi" ra nước ngoài

    Gặp lại anh Dương Ðình Dịu, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng kinh doanh hàng cói, nghe anh kể chuyện hơn 20 năm trước, anh làm trưởng, vợ làm phó một DN, thu mua cói các xã biển, xe thành quại chở đi Trung Quốc bán nguyên liệu thô. Anh Dịu bảo: Thời trai trẻ đó, anh "lặn lội" sang các tỉnh vùng duyên hải Trung Quốc như cơm bữa, giao dịch, đón hàng mình sang bán. Anh cho biết: Làm ăn với bạn phải sòng phẳng, không lừa gạt nhau, có khi mình phải chịu thiệt một chút về sản lượng, nhưng "cù" cho họ nhích giá lên, thế là tin nhau "sái cổ". Nga Sơn có 59 DN làm hàng xuất khẩu thì DN Huy Hoàng đã gánh 1/3 sản lượng xuất sang Trung Quốc bằng hai tàu biển, mỗi tàu chở 180 tấn cói thô. Cói thô là cói sợi xe bằng máy, chắp nối như sợi chảo, sợi thừng, khoanh lại đóng thành kiện. DN Huy Hoàng có 600 máy xe, có gia đình làm hai máy. Năm 2006, DN này thu mua và làm ra 3.000 tấn, đạt giá trị sản xuất gần 1,2 triệu USD, tương đương hơn 18 tỷ đồng. Người Trung Quốc, từ nguyên liệu cói quại này tách ra dệt nhiều loại sản phẩm lãi gấp chục lần. Anh Dịu kể cho chúng tôi nghe một chuyện như người đánh rơi mất vàng: Số là năm ngoái, anh cùng một tốp cán bộ chủ chốt huyện sang các nước Ðông Âu, rà soát lại bạn hàng truyền thống. Anh nói: Cùng 2 m thảm cói x 0,9 = 1,8 m2, nếu ở nhà sản xuất tấm thảm đó chi phí hết 24 nghìn đồng còn ở CHLB Ðức bán được 14 ơ-rô, chưa tính thuế, cước. Anh nhẩm tính, tỷ giá 1 USD cứ tròn 16 nghìn đồng, 1 ơ-rô bằng 1,2 USD, vậy là 1,8 m2 thảm trải nhà bằng cói bán 268 nghìn đồng. Các ông biết chúng tôi "đau" đến thế nào không? Huyện này có giải pháp nào cho cây cói khỏi oan không? Chúng tôi đồng cảm, chia sẻ tiếc nuối của ông chủ DN đang như để tuột khỏi tầm tay cơ hội làm giàu.

    Có mở rộng đường cho cây cói?

    Nga Sơn có hơn 3.000 ha cói. Nhiều năm trước đây, hai cây lúa, cói là sản phẩm chủ lực của huyện. Sau sự kiện Ðông Âu tan rã (1990), mặt hàng cói mất phương hướng thị trường, giá rẻ mạt, lỗ. Nông dân phá đất trồng cói để trồng cây khác. Nhưng năm năm lại đây, cây cói đang "lên ngôi". Nhiều nước dùng cói làm bao bì, vì tính năng bền chắc và dễ tiêu hủy, không phải qua xử lý công nghệ tốn kém. Các đồng chí lãnh đạo Nga Sơn cho biết: Năm 2006, huyện đạt sản lượng cói thô khoảng 30 nghìn tấn và từ 1.500 đến 2.000 tấn thu mua của các huyện biển như: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương. Sản lượng đó mới đưa vào làm sản phẩm được 15 - 20%, còn lại bán thô cho Trung Quốc giá trị đạt khoảng 7,2 triệu USD. Toàn huyện Nga Sơn có 59 DN thu mua và làm hàng cói xuất khẩu với phương tiện là tám con tàu sức chở 180 tấn/chiếc nhưng chỉ thu mua, làm ra quại bán nguyên liệu thô, trong khi lao động nông thôn của 23 xã đều làm được hàng cói thì mong muốn có việc làm. Những DN hiện đang kinh doanh sản phẩm hàng cói khẳng định rằng, nếu tổ chức sản xuất để đưa được 50% sản lượng cói nguyên liệu trong số 30 nghìn tấn vào làm hàng sẽ thu về giá trị từ 45 đến 48 triệu USD/năm. Còn nông dân Nga Tân, Nga Tiến, Nga Liên khẳng định một sào cói (sào Trung Bộ 500 m2) cắt mỗi năm hai vụ, mỗi vụ từ 3,5 đến 4 triệu đồng. Bình quân một sào bảy triệu đồng/năm. Vậy là mỗi ha cói 10 nghìn m2 thu 70 - 75 triệu đồng/năm, trong khi nhiều nơi trong nước, trên địa bàn tỉnh mong muốn xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha. Với nông dân Nga Sơn, hạch toán đầu tư cho một ha cây cói bao gồm: quai đê, lấn biển, công lao động, thiết bị... 70 - 80 triệu đồng để ba năm sau có cói thu hồi vốn. Trong khi đó, đầu tư lao động làm hàng cói 350 - 500 nghìn đồng/người, mỗi ha cây cói cắt hai vụ đạt 70 - 80 triệu đồng giá trị nguyên liệu thô. 

    Như vậy, với Nga Sơn mở rộng đất cói ra biển bằng quai đê, đào tạo lao động nghề truyền thống làm sản phẩm cói vừa rẻ, vừa dễ dàng và phù hợp điều kiện canh tác nông thôn vùng biển. Chúng tôi nghĩ, Nga Sơn rồi đây phải thành huyện nghề, không chỉ dừng lại ở làng nghề nữa. Xu hướng con người tiến ra biển làm giàu và văn minh cho cuộc sống là phù hợp thời đại hiện nay. 
     

    Hồng Nga (Theo Thế Nghĩa-Nhân Dân)

     

Các bài đã đăng