Giá lương thực vẫn ở mức cao tại các nước đang phát triển mặc dù tình hình lương thực toàn cầu đã được cải thiện và giá lương thực thế giới đã giảm nhiều. Đây là lời cảnh báo của FAO trong báo cáo mới nhất mang tựa đề “Triển vọng mùa màng và tình hình lương thực”. Vấn nạn này làm gia tăng khó khăn cho hàng triệu người nghèo vốn đã bị ảnh hưởng bởi nạn đói.
 |
|
Theo dự báo của FAO về năm 2009, sản lượng lương thực thế giới năm nay sẽ giảm 3% so với mức kỷ lục của năm 2008, nhưng đây sẽ vẫn là mức sản lượng cao thứ hai từ trước đến nay. Hầu hết sản lượng giảm ở sản phẩm lúa mỳ chủ yếu là do việc cắt giảm sản xuất tại các nước phát triển do giá quốc tế giảm. Tại các nước đang phát triển, sản lượng lương thực có thể đạt gần mức sản lượng cao của năm ngoái.
Có 32 quốc gia trên thế giới hiện đang ở trong tình trạng bất ổn về an ninh lương thực. FAO cho biết giá lương thực tại các nước đang phát triển nhìn chung vẫn ở mức rất cao, trong một số trường hợp còn ở mức kỷ lục. Một phân tích về giá cả lương thực tại 58 nước đang phát triển cho thấy khoảng 80% giá cả lương thực cao hơn so với 12 tháng trước đây và khoảng 40% giá cả cao hơn so với thời điểm 3 tháng trước. 17% giá cả đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Tình hình nghiêm trọng nhất tại các nước tiểu vùng Saharan – Châu Phi. Giá gạo tại các nước này cao hơn nhiều so với thời điểm 12 tháng trước đó, trong khi giá ngô và kê cao hơn 89% so với thời điểm 1 năm trước.
Giá lương thực vẫn ở mức cao tại các vùng khác, đặc biệt tại Châu Á với giá gạo và vùng Trung và Nam Á là giá ngô và lúa mỳ.
Sản lượng lương thực nhập khẩu của các nước bị thiếu hụt lương thực có thu nhập thấp giai đoạn 2008/09 dự kiến giảm xuống còn 28 tỷ USD, giảm 27% so với vụ mùa trước. Tiến độ nhập khẩu lương thực và lương thực hỗ trợ diễn ra chậm cũng là một trong những yếu tố làm giá lương thực vẫn giữ ở mức cao tại các nước nghèo.
Tình trạng an ninh lương thực bất ổn chủ yếu tại Châu Á, đặc biệt tại các vùng ở Afghanistan, Sri Lanka và Myanmar. Tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, khẩu phần ăn hàng ngày của người dân bị giảm xuống một nửa do nguồn lương thực giảm sút.
Tại Đông Phi, hơn 17 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh lương thực nghiêm trọng do mất mùa. Tại Somalia, khoảng 3.2 triệu người đang cần cứu trợ lương thực.
Tại Nam Phi, giá lương thực cao, việc nhập khẩu lương thực chậm trễ và nhu cầu tăng cao trong những tháng cao điểm của nạn đói ảnh hưởng đến an ninh lương thực của 8.7 triệu người bao gồm hơn 5 triệu người tại Zimbabwe nơi dịch tả vẫn đang hoành hành tạo mối đe doạ lớn đến sức khoẻ và dinh dưỡng của người dân.
(Theo TTXVN/FAO