
Một làng quê đang trên đường đổi mới với nhiều ngôi nhà xây khang trang, hiện đại.
Thật dễ nhận ra sự đổi thay là đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, nhựa hóa. "Bây giờ ra ngõ không sợ trời mưa nước lụt, đường đất trơn trượt. Tối đến vẫn có thể đạp xe băng băng trên đường bởi đường làng, ngõ lớn đều được mắc bóng điện chiếu sáng. Có ánh điện ban đêm ở làng quê có tác dụng rất lớn trong giữ gìn an ninh trật tự"- Ông Nguyễn Văn Xuân ở thôn Phương Chử Bắc phấn khởi khoe. Cũng theo lời ông Xuân, khoảng 5 năm qua ở làng quê , những ngôi nhà mới 2, 3 tầng hoành tráng mọc lên ngày càng nhiều. Bây giờ về làng vào giờ làm việc chỉ gặp con trẻ và ông già, bà lão ở nhà còn các lao động chính đi làm trong các công ty, xí nghiệp, nhiều nhất là may mặc, giày dép. Trước đây, để đi làm, lao động phải đi xa hàng chục km, giờ doanh nghiệp mở xưởng ngay tại làng, thu hút một lượng lớn nông dân trở thành công nhân. Có lần cả nhà về quê muộn, lại không báo trước để bố mẹ chuẩn bị thức ăn, nhưng cả nhà chị Phương sau 10 phút vẫn có bữa cơm đủ các món từ canh cua, cà pháo đến nem chạo, chân giò nấu giả cầy, thịt chó... Mẹ chị Phương cười bảo, giờ dịch vụ thức ăn sẵn ở quê không thiếu, ra ngã ba đầu làng là mua được ngay. Một làng nhỏ chưa đến 1000 khẩu mà có đến cả chục quán bán đồ ăn sẵn.
Không chỉ một số xã của huyện An Lão như An Tiến, Trường Thành, Quang Trung, mà nhiều xã khác như Nam Sơn, An Đồng, An Hồng, An Hưng, Tân Tiến (An Dương); Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Đường, Ngũ Lão, Lập Lễ (Thủy Nguyên)... đang đổi mới mạnh mẽ từ xây dựng cơ sở vật chất nhà dân đến các công trình phúc lợi công cộng. Công bằng mà nói, khi các công ty, xí nghiệp, phát triển kéo theo hoạt động dịch vụ, người nông dân có thu nhập hơn hẳn làm nông nghiệp. Thử làm một phép tính, mỗi sào ruộng mỗi vụ cho thu nhập khoảng 2,2-2,5 tạ thóc, một năm 4,5-5 tạ. Theo giá hiện tại cho thu khoảng 4,2-4,5 triệu đồng, trừ chi phí thuê máy làm đất, thuốc trừ sâu, phân bón (những khoản bắt buộc người nông dân không thể tự làm) tính ra mỗi năm một lao động chỉ thu nhập khoảng 3-3,5 triệu đồng, tương đương 250.000 đồng/ tháng. Số tiền cả năm thu nhập từ cấy lúa chỉ bằng 1 tháng lương công nhân làm may mặc, giày da. Do đó, nhiều gia đình nông dân không thiết tha với đồng ruộng. Còn những nhà cấy lúa, trồng rau đến mùa không tự làm, phải thuê người khác (mà thuê công cao cũng khó tìm được người) cũng là chuyện dễ hiểu. Thế mới có chuyện nhiều nơi, chính quyền địa phương phải vận động người dân không bỏ diện tích cấy lúa. Nhiều gia đình "cho không" ruộng để người khác cấy. Bây giờ nhiều làng quê có điều kiện phát triển, nông dân có xu hướng ly nông nhưng không ly hương bởi giao thông thuận lợi, nếu có đi làm xa bằng xe máy, tối cũng có thể về nhà nghỉ ngơi.
Nhiều gia đình ở làng quê có cuộc sống chẳng kém những gia đình nơi phố thị, cũng ti- vi, tủ lạnh, đầu đĩa, xe máy. Phần lớn gia đình dùng bếp gas đun nấu.. Mừng vì làng quê đổi mới, người nông dân có cuộc sống vật chất, tinh thần khá hơn. Vậy mà không khỏi băn khoăn, bởi cuộc sống, sự phát triển luôn có mặt trái. Đó là tai nạn giao thông diễn ra nhiều hơn, tệ nạn xã hội lây lan nhanh hơn. Có những địa phương trước không có người nghiện hút ma túy, giờ xuất hiện, kéo theo đó là việc trộm cắp vặt con chó, buồng cau, chiếc mâm, cái nồi. Ấy là thay vì những ngôi nhà rộng rãi với vườn cây, ao cá thì bây giờ đất mặt đường được chia lô làm nhà ống. Và chuyện vụ đông, hàng trăm ha đất đồng màu bỏ không nông dân không trồng rau, ngô, khoai, cà. Chợt thấy chạnh lòng khi ở làng quê mà nhiều người vẫn đi mua rau ăn, chứ không phải rau tự trồng (bởi hết đất trồng rau, hoặc mua cho tiện). Chính quyền địa phương, các thôn làng đã và đang nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng, hạn chế thấp nhất mặt trái của sự phát triển. Mong sao bức tranh làng quê trong thời kỳ đổi mới sẽ có nhiều màu sắc tươi sáng, ấm nồng.
Theo: Huyền Chi ( Báo Hải Phòng )