Quảng Trị có diện tích tự nhiên gần 474 ngàn ha, trong đó diện tích có rừng hơn 226 ngàn ha. Diện tích rừng không lớn so với các tỉnh trong vùng nhưng được đánh giá là khu vực có đa dạng sinh học cao về nguồn gen, thành phần loài và hệ sinh thái. Chính vì vậy cùng với việc tích cực mở rộng diện tích, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học .
Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho biết: Một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học là tỉnh đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Khu bảo tồn thiên nhiên Hướng Hóa, Đường Hồ Chí Minh và Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên môi trường, nhờ vậy người dân không chỉ được nâng cao nhận thức mà còn tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra truy quét vào rừng, các tụ điểm buôn bán lâm sản trái phép, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm. Đặc biệt tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng, sống ở vùng đệm của các Khu bảo tồn có việc làm, có thu nhập để không phá rừng cũng như săn bắt động vật hoang dã như triển khai chương trình trồng rừng thay thế nương rẫy, trồng mây và các loại lâm sản ngoài gỗ.
 |
Kiểm lâm Quảng Trị hướng dẫn kỹ thuật trồng mây cho người dân xã Húc Nghì, Đakrông - Ảnh: HỒ THANH THOAN
|
Tuy nhiên so với yêu cầu, việc quản lý, bảo vệ các Khu bảo tồn, các khu rừng cảnh quan ở Quảng Trị đang đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm. Ông Hoàng Ngọc Tiến, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông cho biết: Khu bảo tồn có diện tích hơn 40 ngàn ha, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở đây có 597 loài thực vật, 45 loài động vật, trong đó có 4 loài thú, 4 loài chim đặc hữu duy nhất có ở Việt Nam, đây là một trong những khu vực quan trọng nhất về đa dạng sinh học của Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Ban quản lý đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân thấy được lợi ích của Khu bảo tồn, phối hợp với nhiều tổ chức đánh giá tình trạng quần thể của một số loài có giá trị bảo tồn cao, xác định các nguy cơ đe dọa và các khu vực ưu tiên bảo tồn cho loài hoặc nhóm loài cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó tăng cường công tác bảo vệ và đã thực hiện một số dự án giúp người dân sống ởvùng đệm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên do nhu cầu dùng gỗ ngày càng cao và giá trị của các loại gỗ cũng như động vật hoang dã lớn nên tình trạng phá rừng vẫn còn xảy ra. Mặt khác lực lượng bảo vệ mỏng, số cán bộ biên chế và hợp đồng chỉ có 29 người, dụng cụ, trang thiết bị thiếu thốn, rừng lại ở địa bàn hẻo lánh, hiểm trở nên việc tuần tra, bảo vệ rất khó khăn.
Ông Hoàng Ngọc Tiến đề xuất các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt UBND tỉnh cần phải quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa về mặt kinh phí hàng năm để Khu bảo tồn thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, tăng biên chế cho lực lượng đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới. Các ngành chức năng như Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng và đặc biệt là chính quyền địa phương các xã cần phối hợp tích cực hơn nữa trong công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, xâm hại đến bảo tồn đa dạng sinh học.
Để giảm thiểu sự suy thoái của đa dạng sinh học và hướng đến việc thiết lập một mô hình quản lý bền vững tài nguyên rừng cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động. Ông Nguyễn Trường Khoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trước hết chúng tôi tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về pháp luật cho người dân, đặc biệt là những vùng có rừng, các khu bảo tồn, quan tâm hơn nữa về mặt đời sống cũng như các trang thiết bị kỹ thuật cho đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường nghiên cứu về đa dạng sinh học nói riêng và vấn đề rừng nói chung, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên, đặc biệt nghiêm cấm những hành vi liên quan đến chặt phá cũng như đánh bắt động vật quý hiếm, làm tốt công tác giao đất, giao rừng cho hộ gia đình cũng như các Ban quản lý rừng.
Bên cạnh những biện pháp trên, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo phải hướng đến cộng đồng, cung cấp cho người dân kiến thức, kỹ năng quản lý hiệu quả tài nguyên rừng và các hoạt động sinh kế bền vững, hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng và tăng cường các chính sách và phương thức quản lý rừng và bảo tồn sự đa dạng sinh học.