Huyện Cẩm Thủy có tổng diện tích tự nhiên là 42.503,7 ha; trong đó đất lâm nghiệp 25.504,06 ha, chiếm 60%. Đây chính là điều kiện, là thế mạnh để phát triển kinh tế trang trại, nhất là những trang trại lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động từ nghề rừng.

(Theo Báo Thanh Hóa)Năm 2004, toàn huyện Cẩm Thủy mới có 85 trang trại, chủ yếu là trang trại lâm nghiệp tổng hợp, đến đầu 2008, toàn huyện đã có 143 trang trại các loại. Trong những năm qua, các chủ trang trại đã tập trung nguồn vốn và nhân lực để đầu tư phát triển sản xuất, do đó quy mô các trang trại, chất lượng, số lượng trâu, bò thuộc các trang trại tăng lên rõ rệt.
Thăm trang trại tổng hợp thuộc loại quy mô nhất huyện của anh Đinh Văn Sang nằm trên lưng chừng núi, chúng tôi thấy rõ tiềm năng to lớn của đất rừng khi có bàn tay cần mẫn của con người tác động đúng hướng. Nằm giữa hai dãy núi khá đồ sộ, Thung Nhượng thuộc thôn Lụa, xã Cẩm Sơn, trước đây tuy không xa khu dân cư nhưng được coi là nơi thâm sơn cùng cốc ít người đặt chân lên. Thấy được tiềm năng tiềm ẩn của thung lũng này, năm 1999, anh Đinh Văn Sang quyết định nhận thầu. Anh đã vận động 6 hộ khác, chia khoảnh, khai hoang, lập mô hình trang trại. Mồ hôi, công sức và ý chí đã cho thành quả đáng mừng. Đến nay tổ hợp trang trại gồm 7 gia đình mang tên chủ hộ Đinh Văn Sang đã có diện tích 70 ha, kinh doanh tổng hợp. Hiện trang trại đang có 120 con bò, 50 con dê, 5 ao thả cá với tổng diện tích 3,5 ha, gần 1.000 con gà... cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Sang cho biết: có thời điểm trang trại có trên 1.000 con gà, trên 250 con bò và nhiều vật nuôi khác. Giá trị kinh tế từ rừng cũng đang cho tín hiệu vui đối với các gia đình ở đây. Hiện nay trang trại có 25 ha keo, trên 15 ha luồng, 1,5 ha cây ăn quả và nhiều cây lát trồng xen đã bắt đầu cho thu hoạch. Không bằng lòng với những thành quả đã đạt được, hiện anh Sang đã và đang đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái ngay trong trang trại lâm nghiệp này. Vừa qua, đã đầu tư xây dựng 7 ngôi nhà sàn trên núi; xây dựng hệ thống nước sinh hoạt phục vụ phát triển du lịch trị giá 90 triệu đồng... mở hướng phát triển mới cho các trang trại lâm nghiệp.
Theo số liệu của Phòng nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, tổng diện tích đất mà các trang trại đang sử dụng trên địa bàn là 1.490,06 ha, bằng 4,83% tổng diện tích đất nông-lâm-thủy sản. Huyện cũng đã quy hoạch đến năm 2010 vùng đất trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, bò là 611,5 ha. Hiện tổng số lao động phục vụ cho sản xuất ở các trang trại là gần 2.000 người, gồm cả lao động thời vụ và lao động thường xuyên.
Tại thời điểm đầu 2008, tổng thu nhập của 143 trang trại là 13 tỷ 304,643 triệu đồng, bình quân thu nhập của mỗi trang trại đạt 93,04 triệu đồng/năm. Hiện nay, số trang trại có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm là 62 trang trại, số trang trại có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên có 39 trang trại. Một số địa phương có nhiều trang trại lớn là: Cẩm Bình 20 trang trại, Cẩm Quý 19 trang trại, Cẩm Thành 13 trang trại, Phúc Do 12 trang trại... Hiện tại, số trang trại kết hợp giữa phát triển kinh tế rừng với chăn nuôi đang làm ăn có hiệu quả. Ví như trang trại của ông Đỗ Văn Hóa ở thôn Phâng Khánh, xã Cẩm Thành có tổng diện tích 52 ha, trong đó có 48 ha trồng luồng và các loại cây lâm nghiệp khác, thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng. Do chủ động được nguồn nguyên liệu luồng, nứa tại chỗ và số lao động địa phương, hiện ông Hóa đã đầu tư xây dựng xưởng làm đũa thô và chế biến tinh bột sắn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục lao động.
Tại thôn 10B, xã Cẩm Vân, trang trại tổng hợp của bà Hoàng Thị Nguyệt thường xuyên có hàng chục con trâu, bò sinh sản. Trang trại này còn kết hợp trồng 10,6 ha mía nguyên liệu, 2 ha trồng luồng và cây lâm nghiệp khác, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng mỗi năm...
Kinh tế trang trại phát triển góp phần khơi dậy tiềm năng kinh tế trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, nhất là tiềm năng về đất rừng rộng lớn, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. Tuy nhiên, kinh tế trang trại hiện vẫn chưa mạnh; các chính sách kích cầu phát triển trang trại chưa thật sự hấp dẫn; nguồn vốn để đầu tư phát triển trang trại còn thiếu; kiến thức của các chủ trang trại còn hạn chế, chưa nhanh nhạy thích ứng với sự vận động chung, nhất là về phát triển kinh tế.
Để phong trào phát triển kinh tế trang trại thật sự tương xứng với tiềm năng, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ vay vốn cho các chủ trang trại trong giai đoạn đầu thành lập; UBND các xã, thị trấn cần xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm, tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm.
Theo báo Thanh Hóa
|