Nỗi đau đến bất ngờ
Từ quê hương Vĩnh Phúc lên Yên Bái lập nghiệp, chị Nguyễn Thị Hằng lấy anh Trung và hai vợ chồng chị có hai con. Cuộc sống của cả gia đình chị chỉ trông chờ vào nương rẫy nhưng yên ổn.
Năm 2008, anh Trung đột nhiên trở bệnh nặng, khi được đưa tới bệnh viện xét nghiệm thì phát hiện ra bị mắc phải căn bệnh HIV giai đoạn cuối. Những hối hận của anh về một thời đua đòi với bạn bè đã quá muộn. Căn bệnh HIV đã lấy đi cuộc sống của anh, bất hạnh hơn là nó đã truyền nhiễm sang vợ anh và đứa con trai út.
Bốn năm qua, chị Hằng đã một mình cố gắng chống chọi với bệnh tật để tìm cách mưu sinh, nuôi sống hai đứa con.

Ba mẹ con chị Hằng
Năm 2011, Chi hội Phụ nữ thị trấn Yên Thế đã xây cho mẹ con chị Hằng một ngôi nhà bằng gạch kiên cố. Từ khi có nhà mới, ba mẹ con đỡ vất vả hơn. Nhưng khoảng trống trong lòng thì vẫn không thể bù đắp nổi.
“Các cháu cứ hỏi ba đâu, mẹ bảo ba ốm, ba bệnh ba chết rồi. Sao mẹ không cản ba, ba hút thuốc nên ba mới chết, để con không được gặp ba. Ba không còn nữa thì còn mẹ đây, ba mẹ con mình sống cùng nhau. Không biết chúng có hiểu không, tội chúng nó.”- Chị Hằng nói với giọng run run.
Dù chỉ mua được gói bim bim, vẫn đi làm
Làm nương rẫy không đủ ăn, chị Hằng phải gửi con ở nhà hàng xóm để làm thêm công việc thu mua phế liệu.Thu mua phế liệu, lúc kiếm được, lúc không. Nhưng ngày nào cũng vậy, 8-9 giờ đêm, chị mới có mặt ở nhà để lo cơm nước cho các con.
“Cũng chẳng mua được đâu nhưng ở nhà thì sốt ruột nên vẫn cứ phải mò đi. Có hôm được 5 10 nghìn, có khi được 1.500 đồng mua gói bim bim cho con, thế là hết, nhưng vẫn phải đi làm.”- chị Hằng chia sẻ.
Trước đây, chị Hằng còn kiếm được một số việc phụ, nhưng từ ngày bị bệnh, nhiều người cũng ái ngại không muốn thuê chị nữa. Hơn nữa, sức khỏe của chị cũng ngày càng giảm sút, khó làm được việc nặng.
Nhiều lúc thương các con, chị Hằng cũng có ý định đưa các cháu về quê ngoại sống, nhưng gia đình ở quê cũng túng bấn, nghèo khó. Sống nơi đất khách quê người, lại là phụ nữ, nhiều khi, chị không biết trồng cậy vào đâu.

Chị Hằng chuẩn bị xe đi thu mua phế liệu
Vừa lo cho con bệnh tật, vừa kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, đã có lúc, chị Hằng phải đi chạy vạy vay mượn nhiều nơi. Nỗi buồn, sự nghèo khổ khiến cho chị thiếu đi sự lạc quan trong cuộc sống. Màu da sạm đen vì nắng gió, mái tóc dài không chải kỹ, ánh mắt xa xăm, e dè..tất cả ở chị, đều thấm đượm sự vất vả, buồn thương.
Những lúc tuyệt vọng, hình ảnh của hai đứa con đã tiếp sức mạnh cho người mẹ khốn khổ này.“ Nhiều lúc cũng không muốn sống nữa nhưng nếu mình chết thì con sẽ ra sao. Mình đau một thì các con đau mười, nên phải tự nhủ cố gắng sống để nuôi con.” – Chị Hằng vừa nhìn hai đứa con chơi ô ăn quan ngoài sân vừa nói.
Hai mầm sống
Dù mang trong mình căn bệnh HIV từ nhỏ, nhưng xoá bỏ sự mặc cảm, Nam vẫn đến trường như bao bạn bè khác. Năm nay, em đã bước vào lớp 1. Mặc dù được cấp thuốc miễn phí để kéo dài sự sống, nhưng vì cơ thể yếu, nên Nam vẫn thường xuyên phải vào viện để điều trị.
Thiếu vắng tình thương của người bố, lại mang bệnh tật trong người, nên Nam rất ít nói. Chị Hằng đi làm từ sáng đến tối, nhưng nhiều khi thấy con có triệu chứng mệt mỏi lại phải đến trường, giám sát con thường xuyên.
Những lần đứng ở cửa lớp, nhìn con ngồi học cùng các bạn, người mẹ này không giấu được niềm thương xót với đứa con bé nhỏ của mình. “Cô giáo bảo cháu không nhớ được. Có lẽ tại vì cháu uống quá nhiều thuốc rồi, một tháng hơn 100 viên thuốc. Không biết có bao nhiêu thuốc trong người cháu”, chị Hằng nói trong khó nhọc.
Căn bệnh HIV có thể cướp đi cuộc sống của Nam bất cứ lúc nào. Vì thế, những khoảng thời gian được ở cạnh con, thậm chí là đứng từ xa ngắm con, chị Hằng đều muốn níu giữ thật lâu. Và cũng không khó hiểu khi sự trân trọng càng lớn thì nỗi xót xa của người mẹ này lại càng nhiều.
Có lẽ, Phương Anh, đứa con gái lớn là mầm sống duy nhất trong gia đình này. Cháu năm nay đã bước vào lớp 3. “ Cháu học chăm để được điểm mười, mẹ cháu vui ạ. Cháu ước được làm bác sỹ để chữa bệnh cho em cháu ạ.”- Phương Anh nói, không giấu được vẻ nhí nhảnh, ngây thơ của cô bé 10 tuổi.
Nam và Phương Anh còn quá nhỏ để biết về nỗi đau của mẹ. Khi bóng chiều đổ xuống ngôi trường làng, các em vẫn cười thật tươi khi thấy mẹ đến đón, vẫn vừa đi vừa líu lo kể cho mẹ chuyện ở lớp. Các em sẽ không thể biết rằng con đường về nhà với mẹ đang chập choạng, mịt mờ thế nào. Niềm ấm áp đi cùng các con lại càng làm chị Hằng sầu muộn hơn bởi những câu hỏi bữa nay ăn gì, mai đến chỗ nào mua phế liệu, tiền cho đợt điều trị tới của Nam phải lấy ở đâu…
Quý độc giả hãy ủng hộ cho mẹ con chị Hằng qua địa chỉ:
Chị Nguyễn Thị Hằng, xóm Gốc Khá, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Số điện thoại 01642690176. Hoặc qua địa chỉ: Kênh truyền hình Nông nghiệp Nông thôn VTC16 – Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC – 65 Lạc Trung – Hai Bà Trưng – Hà Nội, ĐT: 04 4450 1319, Email: lalanhdumlarachvtc16@gmail.com, Số tài khoản: 1500201078707, chủ tài khoản: Kênh truyền hình Nông nghiệp – Nông thôn, tại Chi nhánh Lạc Trung-TP Hà Nội của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Nội dung chuyển khoản: Quyên góp cho chị Nguyễn Thị Hằng.
Bích Lưu ,Ảnh: Nam Du(Theo vtc16.vn)