Xin chờ...

13/08/2013 | 04:39 GMT+7


Cần thay đổi cách nghĩ khi chọn học ngành nông nghiệp
  •  Hồ sơ đăng ký giảm

         Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tổng số gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng năm 2013, khối ngành khoa học xã hội chỉ có 92.249 hồ sơ (chiếm 4,7%); khối ngành sư phạm 118.736 hồ sơ (6%) và ngành nông lâm là 49.493 hồ sơ (chiếm 2,5%). Đa số các thí sinh lựa chọn thi vào khối A, với những ngành nghề đang "hot" hiện nay như: Kinh tế, ngân hàng, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin,...

         Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là "vựa" lúa, thủy sản và trái cây của cả nước, việc tuyển sinh khối nông, lâm nghiệp, thủy sản của các trường đại học trong vùng cũng gặp nhiều khó khăn, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm, trong khi nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành này đang rất lớn. Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ nêu một thực tế, mùa tuyển sinh năm nay, số hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành thú y của trường giảm 346 bộ so với mùa tuyển sinh năm 2010, nuôi trồng thủy sản giảm 59 bộ, chăn nuôi giảm 51 bộ, khoa học cây trồng giảm 52 bộ,...

    Đây cũng là thực tế đang diễn ra tại Trường Đại học Tây Đô (TP.Cần Thơ) khi số sinh viên chọn ngành nuôi trồng thủy sản ngày càng giảm. Cụ thể, khóa đầu tiên có 50 sinh viên, khóa 2 là 110 sinh viên nhưng đến khóa 5 chỉ có 34 sinh viên.

         Học khối nông, lâm, thủy sản, sinh viên có nhiều cơ hội tìm được việc làm ổn định. Vậy nhưng hầu hết thí sinh khi nghĩ đến ngành này là nghĩ đến sự vất vả vì phải làm việc với đồng ruộng, thu nhập thấp. Điều này có nghĩa công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng chiến lược đào tạo của chúng ta có vấn đề.


    Nhiều cơ hội

         Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục và đào tạo, đã đến lúc các thí sinh cần thay đổi cách nhìn về ngành đào tạo khối nông, lâm, thủy sản bởi cơ hội được đi du học, có học bổng cao luôn chờ đón. Đặc biệt, với xu hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, chắc chắn các bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt và ổn định. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ nay đến năm 2020, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của khối lâm nghiệp là 8.000 - 10.000 người/năm, thủy lợi 7.000 - 9.000 người/năm, thủy sản 8.000 - 8.500 người/năm, nông nghiệp 58.000 - 60.000 người/năm.

    Cũng cần lưu ý là các trường đại học luôn có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho khối nông, lâm, thủy sản. Ví như, Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa), trong mỗi đợt tuyển sinh, điểm chuẩn cho những ngành chế biến, nuôi trồng, khai thác thủy sản luôn thấp hơn 2 điểm so với ngành khác. Con em nông dân, ngư dân theo học được giảm 20% học phí, nếu có hoàn cảnh khó khăn được bố trí miễn phí chỗ ở.

          Tại Trường Đại học Tây Nguyên, các suất học bổng luôn được ưu tiên cho sinh viên khối ngành nông, lâm, thủy sản (chỉ cần đạt học lực khá là được học bổng trong khi các khối ngành khác là học lực giỏi); chưa kể việc thi vào ngành này cũng rất "dễ thở" vì điểm chuẩn không quá cao.


           Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản không phải là ngành yếu thế như các thí sinh thường nghĩ. Bằng chứng là tại Trường Đại học Nông - Lâm Huế, mỗi năm trường tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu và hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm ổn định. Trường Đại học Nông - Lâm TP.Hồ Chí Minh đang dành nhiều ưu đãi cho những thí sinh thi vào khối ngành nông, lâm nghiệp. Theo đó, sinh viên học ngành liên quan đến nông nghiệp sẽ được ưu đãi về mức học phí (chỉ 290.000 đồng/tháng, trong khi các ngành khác là 340.000 - 360.000 đồng/tháng).


          Khoa Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng đang có những giải pháp để thu hút sinh viên nhiều hơn. Khi đăng ký nguyện vọng 1, thí sinh sẽ được giảm 3 điểm so với điểm sàn. Ngoài ra, bắt đầu từ năm thứ 2, sinh viên của khoa có thể nộp hồ sơ học song song bất cứ chuyên ngành nào của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có cùng khối thi.

          Như vậy, có thể khẳng định, ngành đào tạo nông, lâm nghiệp và thủy sản có rất nhiều cơ hội việc làm với thu nhập ổn định. Vì vậy, để thu hút thêm nhiều sinh viên, ngoài những cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, công tác tư vấn tuyển sinh cũng cần được đẩy mạnh để các thí sinh và phụ huynh hiểu đúng về ngành này, để có sự lựa chọn phù hợp.

     


Các bài đã đăng