Xin chờ...

13/05/2013 | 09:22 GMT+7


Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất lúa
  •   Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phổ biến rộng rãi hai biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đó là biện pháp là “gieo sạ đồng loạt, né rầy” và “gieo mạ mùng”. 

    Qui trình gieo sạ đồng loạt, né rầy là gieo sạ đồng loạt trên diện rộng, mỗi đợt gieo sạ không kéo dài quá 10 ngày; phải gieo sạ trong khoảng thời gian an toàn nhất (là khoảng thời gian không để cho rầy có mang mầm bệnh tiếp xúc với cây lúa non dưới 30 ngày tuổi) , khi rầy nâu vào đèn đạt đỉnh cao thì ngâm ủ giống và gieo sạ vào 2-3 ngày sau đỉnh cao rầy vào đèn rồi chấm dứt gieo sạ trong vòng 10 ngày sau đó. Việc làm này phải theo lịch thời vụ tại mỗi địa phương. Thời gian gieo sạ không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ. Nông dân phải dành thời gian ít nhất 3 tuần lễ giữa 2 vụ lúa để cày ải phơi đất, cách ly mầm bệnh. Phải theo dõi, đếm và tính toán mật độ số rầy hàng ngày, sử dụng số liệu bẫy đèn của địa phương làm cơ sở để định ra thời điểm gieo sạ. Mỗi giống lúa không vượt quá 15-20% trong cơ cấu giống lúa tại địa phương (nhằm làm chậm sự thích nghi của rầy nâu, tránh bùng phát dịch rầy). Ngoài ra, còn phải áp dụng "3 giảm, 3 tăng" và một số biện pháp sinh học khác để giảm chi phí giá thành, giảm áp lực của nhiều loại sâu bệnh gây hại khác đồng thời giúp tăng năng suất và chất lượng, hiệu quả kinh tế. 
    Đối những vùng đất không có điều kiện gieo sạ trực tiếp mà phải cấy thì áp dụng qui trình kỹ thuật “gieo mạ mùng”, được thực hiện như sau: để đủ mạ cấy trên 1 ha ruộng, cần chọn 30kg giống ngâm nước 36 giờ, ủ 36 giờ. Khi giống nẩy mầm tốt thì đem gieo sạ trên sân rộng 100 m2 (sân đất hoặc xi măng đều được). Trước lúc gieo, trải nylon lên bề mặt của sân và lấy đất bùn, mùn xơ dừa, phân DAP) đã phơi khô, trộn lẫn ( 120 kg bùn nhão và 300kg mùn sơ dừa và 5 kg phân DAP) rải đều trên bề mặt nylon, sau đó gieo lúa giống lên. Sau khi gieo và lấp hạt mạ xong thì giăng mùng ngay. Chỉ cần giăng mùng vào ban đêm và giỡ ra vào mỗi buổi sáng sớm để mạ quang hợp ánh nắng (không bị yếu). Chiều cao của lưới mùng từ 30 đến 50 cm. Mỗi ngày tưới nước từ 1 đến 2 lần. Khi gieo được 13 đến 14 ngày thì đưa mạ ra ruộng cấy. Cây mạ lúc đó hoàn toàn sạch bệnh, có khả năng chống chịu hoàn toàn đối với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. 
    Theo Viện lúa ĐBSCL, từ năm 2006 đến nay, rầy nâu mang mầm bệnh rất cao và mang cả virus gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Trong những năm 2006- 2007 mỗi vụ lúa (đông xuân, hè thu) rầy nâu gây hại trên dưới 200.000 ha lúa tại ĐBSCL. Đến năm 2008, biện pháp “gieo sạ đồng loạt, né rầy” và “gieo mạ mùng“ bắt đầu được thực nghiệm, cho kết quả khả quan trên những cách đồng thực nghiệm. Diện tích lúa nhiễm rầy nâu giảm hẳn. Sau đó, hai biện pháp trên được nhân rộng dần ra khắp các tỉnh ĐBSCL. Nhờ hai biện pháp trên và một số biện pháp khác, hiện mỗi vụ lúa diện tích bị rầy nâu gây hại toàn vùng giảm chỉ còn vài chục ngàn ha./.

    Theo(TTXVN)


Các bài đã đăng