Xin chờ...

24/08/2013 | 10:02 GMT+7


Bài học đắng cay sau 25 năm phá rừng ngập mặn.
  •  Việc khai hoang nuôi tôm mỗi năm cướp đi hàng nghìn ha rừng ngập mặn ở Cà Mau, nơi từng được mệnh danh là Amazon thứ hai của thế giới. Tôm sống được vài vụ thì cả một vùng sinh thái bị tàn phá. Người ta đã làm ngơ lời cảnh báo của các nhà khoa học 25 năm trước đây, và nay phải đón nhận hậu quả.

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Phong trào phá rừng nuôi tôm gây nên những hậu quả nghiêm trọng

    Vùng rừng ngập mặn Cà Mau trước giải phóng có diện tích hơn nửa triệu ha và là rừng ngập mặn cửa sông lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau vùng rừng ngập mặn cửa sông Amazon (Nam Mỹ). Như một cái bể lớn, rừng chứa nước ngọt vào mùa mưa và đến mùa khô khi nước sông xuống thấp thì nước ngọt ở trong rừng chảy ra ngăn không cho nước mặn từ biển vào quá sâu trong đất liền, giữ cho ngọt hóa cả một vùng đồng bằng ở bán đảo Cà Mau. Khuyến cáo của các nhà khoa học lúc đó là phải giữ cho được và tái sinh vùng rừng ngập mặn quý giá này cho đất nước.

    Nhưng tiếc thay, rừng càng ngày càng bị thu hẹp lại, đặc biệt khi có phong trào phá rừng nuôi tôm. Thêm vào đó là những vụ cháy lớn do không được phòng hộ, kết quả đến nay rừng tràm ở bán đảo Cà Mau chỉ còn khoảng hơn 250.000 ha, đã mất gần nửa diện tích trước đây. Có năm, mặn đã thâm nhập vào sâu trong đất liền đến 50 km.

    Không thể phủ nhận nuôi tôm mang lại nguồn lợi lớn, nhưng cơ cấu con tôm với lúa, với rừng không phải bạ đâu cũng làm, và ở đâu cũng có hiệu quả lớn (cả về kinh tế lẫn sinh thái). Đôi khi được về kinh tế trước mắt nhưng lại hỏng về sinh thái lâu dài.

    Cần Giờ - một số phận khác.

    Sau giải phóng, vùng rừng ngập mặn ở Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) gần như bị xóa sổ bởi chất khai quang của Mỹ hồi chiến tranh. Lúc đó, để phát triển kinh tế vùng ngoại thành, UBND thành phố có một dự án lớn - quy hoạch phát triển huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) mà mục tiêu chủ yếu là lập những vùng nuôi tôm lớn trên những vùng rừng ngập mặn đã bị chất khai quang tàn phá.

    Một số nhà khoa học sau khi xem xét thực tế đã có một khuyến cáo ngược lại là nên tập trung khôi phục vùng rừng sinh thái này. Lãnh đạo thành phố đã nghe theo và kết quả, nay Cần Giờ đã có hơn 2 vạn ha rừng ngập mặn quý giá mà ít thành phố nào trên thế giới có được.

    Rừng có tác dụng rất to lớn đối với thành phố. Mùa mưa, nước được trữ lại một phần ở đây. Đến mùa kiệt, do hạn chế của nước hồ Dầu Tiếng nên mực nước sông Đồng Nai xuống rất thấp, lúc đó nước từ trong rừng ngập mặn ở cửa sông Đồng Nai chảy ra, ngăn nước mặn không vào quá sâu. Khi xây dựng hồ Dầu Tiếng, người ta đã lo lắng việc xâm nhập mặn khi mùa kiệt tới, uy hiếp nguồn nước sinh hoạt của thành phố. Nhưng giờ đây, điều đó đã không xảy ra và một phần không nhỏ là đóng góp của rừng Cần Giờ.

    bannhanong.vietnetnam.net


Các bài đã đăng