
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được quan tâm, định hướng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nông thôn mới
Nghệ An phấn đấu từ nay đến năm 2015 đào tạo nghề cho 41.000 lao động nông thôn, trong đó nghề phi nông nghiệp 22.140 lao động, nghề nông nghiệp 18.860 lao động, qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70 - 75%.
Để công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao, trước mắt, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương điều tra, phân tích, đánh giá đúng thực trạng nguồn lao động nông thôn. Xác định kịp thời nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, của thị trường lao động trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xác định danh mục nghề đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp, giúp người lao động có kiến thức, tay nghề, góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất nhằm tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Sau 3 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2011- 2013), tỉnh Nghệ An đã tổ chức tuyển sinh, dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 59.500 lao động và hơn 10.000 cán bộ công chức cấp xã. Số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề gần 14.780 người, đạt 71,6%. Năng lực đào tạo và quy mô đào tạo nghề cũng có sự tiến bộ vượt bậc, chất lượng đào tạo nghề từng bước được cải thiện, ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo ngày càng đa dạng và phong phú. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề không ngừng củng cố, tăng cường, phần nào đáp ứng yêu cầu quản lý và giảng dạy. Nhờ đó, người lao động sau khi học nghề đã biết vận dụng các kiến thức, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lao động sản xuất, cải thiện chất lượng việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững./.
Nguồn: dangcongsan.vn